Đây là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép.
Cầu Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương ở Huế, ngay sát kinh thành. Đây cũng là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép. Trước đó, những cây cầu được xây dựng đều là công trình ngắn, bằng vật liệu tre, gỗ… không bền vững.
Mùa thu năm 1896, vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu sắt và nhấn mạnh: "Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ơn cho dân. Gần đây, phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Cơ Mật viện tâu nói phía trước sông Hương là quan lộ, nghĩ nên làm một chiếc cầu sắt để tiện thông hành, duy vì phí tổn rất lớn nên còn phải chờ tính toán trù biện”.
Một năm sau, vua Thành Thái ban chỉ dụ xây dựng cầu sắt, tháng 4/1897, Toàn quyền Đông Dương Doumer đến Huế và bàn bạc với triều đình tập trung đầu tư để có công trình bền vững lâu dài.
Nhà vua sai bộ Hộ trích giao 190.000 đồng, số còn thiếu do phía Pháp giúp đỡ. Khi cầu Trường Tiền bắt đầu được xây dựng, vua Thành Thái là người đặt viên đá đầu tiên. Sau hai năm, cây cầu gồm 6 nhịp dầm bằng thép hình chiếc lược ngà (bán nguyệt), nền lát gỗ lim được hoàn thành.
Người dân xứ Huế quen với câu ca “cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”, nhưng chính xác cầu có 6 nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài khoảng hơn 400m tính từ hai mố, nếu tính cả đường dẫn thì độ dài của Trường Tiền khoảng 453m, lòng cầu rộng 6m. Lúc mới xây dựng, cầu chưa có phần lề dành cho người đi bộ.
Ban đầu, cầu mang tên Thành Thái. Tới năm 1919, cầu được đặt tên là Clémenceau, tên của vị Thủ tướng Pháp lúc bấy giờ. Đến tháng 3/1945, chính quyền Trần Trọng Kim đổi tên cầu thành Nguyễn Hoàng - người có công khai phá vùng đất Thuận Hóa.
Tuy nhiên, cái tên phổ biến nhất vẫn là Trường Tiền. Nguồn gốc cái tên này là cuối thế kỷ XVIII, nhà Nguyễn có một xưởng đúc tiền ở bờ bắc sông Hương. Bến đò cạnh đó gọi là bến đò Trường Tiền (Trường Tiền chữ Nôm nghĩa là xưởng đúc tiền), nên khi cây cầu bắc qua đây cũng được người dân gọi là cầu Trường Tiền.
Khi mới hoàn thành, là một cây cầu thép vững chắc với kết cấu và kỹ thuật xây dựng văn minh của phương Tây - cầu Trường Tiền khiến cho chính quyền và nhà thầu hết sức tự hào. Không ngờ chỉ sau 5 năm (năm Nhâm Thìn - 1904), cơn bão lịch sử đã xô đổ cây cầu thép; cầu có 6 vài thì 4 cái bị hất đổ xuống lòng sông. Năm 1906, cầu được tu sửa lại và mặt cầu đổ bê tông thay vì lót gỗ lim như trước.
Đến năm 1937, dưới thời vua Bảo Đại, chính quyền tu sửa cầu Trường Tiền với quy mô lớn, đặc biệt là xây dựng thêm hành lang phía ngoài cho người đi bộ, đi xe đạp và 10 ban công ngắm cảnh. Chính 10 cái ban công và hình dáng cây cầu dầm thép hình lược ngà là một nét nghệ thuật tạo nên sự duyên dáng cho cầu Trường Tiền.
Ngày 19/12/1946, theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến của ta, cầu Trường Tiền bị giật sập để chặn bước quân Pháp. Lúc 2h sáng, một tiếng nổ làm rung chuyển cả thành phố. Cuộc kháng chiến ở Cố đô Huế đã mở màn như vậy. Đến năm 1953, việc tái thiết nguyên dạng cầu được thực hiện.
13 năm sau, mùa xuân Mậu Thân, cầu Trường Tiền một lần nữa bị sập. Đêm 7/2/1968, một tấn thuốc bom đã làm sập nhịp cầu số 4. Đây là một phần trong Chiến dịch Tết Mậu Thân, phá hủy hoàn toàn trụ cầu thứ 3 để chặn đường của xe tăng quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa từ bờ Nam tấn công vào Thành Nội - nơi quân giải phóng đang làm chủ.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, với vẻ duyên dáng của mình, cầu Trường Tiền và dòng sông Hương thơ mộng trở thành cảm hứng vô tận cho giới văn nghệ sĩ. Người dân xứ Huế thì ai nấy đều thuộc lòng mấy câu ca:
"Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp, tội lắm anh ơi!
Bấy lâu mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa, cũng tại ông Trời nên xa."
Năm 1905, chiếc cầu được đúc lại bằng bê tông cốt thép, nên có câu:
"Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong
Ơi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn nước non..."
Năm 1941, trong thời gian lưu lạc tới xứ Huế, thi sĩ Nguyễn Bính đã ví nét cong cong của nhịp cầu cùng màu sơn nhũ bạc (nguyên bản) như hình ảnh của chiếc lược ngà:
“…Cầu cong như chiếc lược ngà
Sông dài mái tóc cung nga buông hờ…”