Vĩ mô

Cây cầu thép - bê tông đầu tiên được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi kỹ sư và công nhân Hà Nội

Phúc Lam 25/09/2024 - 19:27

Được khởi công vào năm 1983 và khánh thành vào năm 1985, cầu Chương Dương ra đời trong bối cảnh Hà Nội chỉ có cầu Long Biên, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên.

Cầu Chương Dương là một biểu tượng giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Đông Hà Nội, kết nối phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) với phường Bồ Đề (quận Long Biên). Cây cầu này không chỉ đơn thuần là một công trình, mà còn là một kỳ tích trong thiết kế và thi công của Việt Nam.

Được khởi công vào năm 1983 và khánh thành vào năm 1985, cầu Chương Dương ra đời trong bối cảnh Hà Nội chỉ có cầu Long Biên, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên. Sự xuất hiện của cầu Chương Dương đã mang đến luồng gió mới cho hệ thống giao thông của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và kết nối các khu vực, góp phần làm thay đổi diện mạo Thủ đô.

Cây cầu thép - bê tông đầu tiên được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi kỹ sư và công nhân Hà Nội
Lễ thông xe cầu Chương Dương - Ảnh: Internet

Cây cầu được thiết kế đặc biệt

Cầu Chương Dương, ban đầu được lên kế hoạch với ý tưởng là một cây cầu treo với ba nhịp chính vượt qua sông Hồng. Điều then chốt là phải đóng được cọc của các trụ nhịp chính xuống dòng sông Hồng ở độ sâu khoảng 60m. Tuy nhiên, với điều kiện hạn chế về vật tư, thiết bị lúc bấy giờ, việc triển khai trở nên rất khó khăn.

Trước những thách thức đặt ra, cầu Chương Dương được đổi từ cầu treo thành cầu cứng do Việt Nam tự thiết kế, thi công. Phương án được quyết định và Ban nghiên cứu thiết kế cầu Thăng Long, Viện Thiết kế Giao thông được giao nhiệm vụ thiết kế.

TS. Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam từng chia sẻ với báo chí về những ký ức trong quãng thời gian được vinh dự làm việc cùng Trung ương. Trong đó, ông kể về quá trình xây dựng có nhiều điểm đặc biệt của cây cầu này.

“Vật liệu thi công cầu Chương Dương là sắt, thép của các giàn thép cầu đường sắt (khẩu độ nhịp 64m và 80m) tự thiết kế, gia công chế xưởng nối nhịp liên tục với chiều dài trên dưới 90m (88 - 89m). Lấy dầm dọc (8m/dầm) xoay ngang làm dầm ngang cầu Chương Dương, mở rộng dàn chủ, từ tim đến tim giàn là 8,46m đáp ứng cho 2 làn ô tô đi vừa.

Hai làn hai bên cầu lại lấy cánh gà ô tô của giàn thép cầu đường sắt thi công đưa cầu Chương Dương thành cầu 4 làn xe”, TS. Long chia sẻ.

Đây là cây cầu thép - bê tông đầu tiên được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi kỹ sư và công nhân Hà Nội. Cây cầu này không chỉ khẳng định năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực cầu đường mà còn tạo điều kiện cho các kỹ sư trẻ thử sức, mở ra cánh cửa cho những dự án cầu lớn trong tương lai.

Cần kiểm tra, đại tu

Cầu Chương Dương đóng một vai trò thiết yếu trong việc kết nối giao thông và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Hà Nội. Cây cầu này không chỉ đơn thuần là một công trình hạ tầng; nó còn là nhịp cầu giao lưu kinh tế, xã hội giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố phía Bắc sông Hồng. Nhờ có cầu Chương Dương, vùng đất phía Đông của Hà Nội đã được thay áo mới, mở ra những cơ hội mới cho giao thương, đầu tư và phát triển cộng đồng.

Theo thời gian, cầu Chương Dương đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu xuống cấp và thiếu an toàn. Mặc dù Hà Nội khẳng định khả năng chịu lực của cầu vẫn đảm bảo và về cơ bản hoạt động bình thường, nhưng kể từ khi đưa vào khai thác, cầu Chương Dương mới chỉ được kiểm định hai lần và cho đến nay vẫn chưa trải qua một đợt đại tu nào.

Sau trận lũ lịch sử, cây cầu với công nghệ xây dựng “độc nhất vô nhị” của người Việt, trải qua bao thăng trầm của đất nước mong khẩn cấp đại tu
Cầu Chương Dương là nhịp cầu giao lưu kinh tế, xã hội giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố phía Bắc sông Hồng

Trong cơn bão lịch sử Yagi, cầu Chương Dương đã phải hạn chế một số phương tiện lưu thông. Chia sẻ với VOV Giao thông, anh Lương Thanh Tùng, cư dân Long Biên, cho biết việc hạn chế lưu thông qua cầu là hoàn toàn hợp lý, bởi hàng ngày đi qua anh đều chứng kiến tình trạng của cầu đã trở nên yếu đi theo thời gian.

Anh cho biết mặt cầu đã xuống cấp với nhiều ổ gà, ổ trâu xuất hiện. Dù đã được sửa chữa và chắp vá, nhưng theo anh, đây chỉ là giải pháp tạm thời và sớm muộn gì cũng sẽ bong tróc lại. Sự lo lắng của anh cũng phản ánh nỗi băn khoăn chung của nhiều người về công trình đã có tuổi đời lâu năm như cầu Chương Dương. Việc kiểm tra và tiến hành đại tu là điều cấp bách, cần thiết để bảo đảm an toàn cho người dân khi lưu thông qua cây cầu này.

Theo kết quả kiểm định mới nhất, cầu chính vẫn bảo đảm khả năng chịu lực HL93 (mức cao nhất áp dụng cho cầu, đường bộ hiện nay). Cánh gà hai bên cầu vẫn đủ khả năng chịu lực H6 (6 tấn) trong phạm vi 3,5m.

Phần móng, trụ cũng đủ khả năng chịu lực. Tuy nhiên, cầu Chương Dương đã xuất hiện một số hư hỏng. Cụ thể: bản mặt cầu xuất hiện các ổ gà và bong tróc lớp bê tông phủ mặt cầu ở một số vị trí; bên cánh gà phía thượng lưu và hạ lưu cũng đã hư hỏng, lớp bê tông bị trong tróc làm lộ phần cốt thép; xuất hiện han gỉ tại nhiều vị trí…

Trong lần kiểm định vừa qua, cầu Chương Dương đã được kiểm tra tổng thể tất cả các bộ phận như: trụ, gối cầu, mặt cầu, dàn thép trên - dưới, khe co giãn, độ võng của cầu... nhằm phát hiện các hư hỏng tích lũy theo thời gian. Từ đó, đơn vị tư vấn, nhà thầu xác định được các phần hư hỏng để lên phương án sửa chữa.

Để đánh giá chính xác khả năng chịu tải cũng như các hư hỏng của cầu, hai đơn vị đã huy động tổng cộng 50 kỹ sư cùng máy móc hiện đại, trong đó dùng 6 xe tải có khối lượng 27-30 tấn/xe đỗ tại 3 điểm gần nhau để thiết bị máy móc đánh giá độ võng của cầu.

Qua kiểm định, Sở GTVT Hà Nội khẳng định, cầu Chương Dương tuy xây đã lâu nhưng vẫn bảo đảm khả năng chịu lực. Cơ quan này đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội và được thành phố phê duyệt dự án cải tạo, sửa chữa cầu Chương Dương. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025 – 2026.

>>Từ tháng 1/2025, không được dừng, đỗ xe tại những vị trí này

Thắt chặt xử lý vi phạm giao thông đối với công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang

Trước bão Yagi, kinh tế của tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất đã phát triển như thế nào?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cay-cau-thep-be-tong-dau-tien-duoc-thiet-ke-va-xay-dung-hoan-toan-boi-ky-su-va-cong-nhan-ha-noi-249566.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cây cầu thép - bê tông đầu tiên được thiết kế và xây dựng hoàn toàn bởi kỹ sư và công nhân Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH