Chery – hãng xe Trung Quốc vừa bắt tay với đại gia Vũ Văn Tiền - mạnh tới mức nào?

07-11-2023 23:03|Mai Chi

Hãng xe Chery được thành lập với mục đích ban đầu để “xóa đói giảm nghèo” tại tỉnh An Huy của Trung Quốc.

Ngày 2/11/2023, lễ ký hợp đồng đánh sự hợp tác giữa Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo với CTCP Tập đoàn Geleximco diễn ra tại tỉnh Thái Bình đã thu hút không ít sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ có thể hiểu rằng đây chính là cú bắt tay lịch sử giữa công ty mẹ của Omoda & Jaeco, ông lớn ngành xe tại Trung Quốc – Cherry và đại gia Vũ Văn Tiền người đứng đầu tập đoàn đa ngành Geleximco.

Cherry – hãng xe Trung Quốc vừa bắt tay với đại gia Vũ Văn Tiền - mạnh tới mức nào?
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tỉnh Thái Bình chứng kiến ký kết Hợp đồng nguyên tắc giữa Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến ở mức 800 triệu USD (khoảng 19.600 tỉ đồng), chia làm 3 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ năm 2024-2030) có vốn đầu tư dự kiến 220 triệu USD, sản xuất 50.000 ô tô/năm; giai đoạn 2 (từ năm 2031-2033) vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, sản xuất 100.000 ô tô/năm và giai đoạn 3 (từ năm 2034-2035) vốn đầu tư khoảng 380 triệu USD, sản xuất 200.000 ô tô/năm.

Và từ đó, nhiều người tự hỏi tiềm lực của Chery lớn tới đâu?

Chery Automobile Co, hay còn được biết đến với tên gọi Tập đoàn ô tô Chery là một nhà sản xuất xe hơi nội địa tới từ Trung Quốc. Hãng còn được biết đến với danh hiệu “Hãng xe xuất khẩu số 1” của ngành công nghiệp mũi nhọn quan trọng của quốc gia tỷ dân này. Đến nay, Tập đoàn Chery đã tích lũy được hơn 10 triệu người dùng ô tô trên toàn thế giới, trong đó có 1,95 triệu người dùng ở nước ngoài.

Những ngày đầu thành lập, Chery chỉ là thương hiệu của một doanh nghiêp nhà nước tại tỉnh nghèo nhất Trung Quốc

Hãng Chery được thành lập vào giữa năm 1990 với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước với trụ sở đặt tại thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy. Đây là vùng đất thuộc miền đông Trung Quốc và khi đó An Huy vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất của nước này. Ở thời điểm ban đầu, Chery được thành lập với sứ mệnh giúp xóa đói giảm nghèo bằng cách cung cấp việc làm và tăng thu nhập cho các lao động địa phương, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực này.

Trước khi bắt đầu sản xuất ô tô, Zhou Biren - một cái tên nằm trong ban lãnh đạo của Chery đã bay đến Anh vào năm 1996 để mua các thiết bị sản xuất động cơ của Ford. Bên cạnh đó, hãng Chery cũng mua phụ tùng từ Seat – công ty con của tập đoàn Volkswagen tại Tây Ban Nha. Việc xây dựng nhà máy Chery chính thức bắt đầu vào đầu năm 1997 và những chiếc xe mang thương hiệu Chery đầu tiên đã được xuất xưởng vào cuối năm 1999. Chery dần dần mở rộng các dòng sản phẩm của mình, từ những mẫu xe giá rẻ cho đến loạt xe cao cấp.

Sự chuyển mình thành gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô với xuất khẩu là mũi nhọn

Dưới sự dẫn dắt của ông Yin Tongyue – người nhiều năm liền nắm giữ cương vị Chủ tịch tập đoàn, Chery vươn lên thành doanh nghiệp ô tô lớn thứ 2 của Trung Quốc nhưng sản phẩm xuất khẩu thì đứng đầu quốc gia này.

Cherry – hãng xe Trung Quốc vừa bắt tay với đại gia Vũ Văn Tiền - mạnh tới mức nào?
Hãng xe Chery

Được biết ông Yin từng công tác tại First Automobile Works (FAW) - một trong những nhà sản xuất ô tô lâu đời bậc nhất Trung Quốc.

Từ 2003, Chery giữ vị trí hơn 19 năm liên tiếp là hãng xuất khẩu ô tô lớn nhất Trung Quốc. Bên cạnh Trung Quốc, thương hiệu này cũng hoạt động mạnh ở các thị trường như: Nam Mỹ, Đông Âu, châu Phi…

Đến năm 2007, Chery chuyển mình thành một tập đoàn ô tô khổng lồ tại Trung Quốc với khoảng 25.000 nhân viên cùng tổng doanh số hơn 400.000 xe, trong đó bao gồm cả việc xuất khẩu sang các thị trường mới nổi như Nga, Trung Đông hay Mỹ La-tinh.

Năm 2009, Chery gây tiếng vang lớn ở đất nước tỉ dân khi ghi nhận doanh số bán hàng đạt 500.000 xe. Hãng cũng phát triển thêm nhiều dòng xe mới, bên cạnh thương hiệu chính Chery, chẳng hạn như: Karry, Riich và Rely.

“Thật dễ dàng để chiến thắng khi bạn có nhiều con hơn”, Chủ tịch Chery Yin Tongyao từng cho biết về chiến lược đa thương hiệu của hãng.

Trong năm 2021, Chery đã bán được hơn 960.000 xe, bao gồm 270.000 xe được xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Brazil, Nga, Qatar và Malaysia. Chery cũng thành lập các trung tâm R&D trên phạm vi toàn cầu, trong đó có cả ở Đức, Mỹ và Brazil. Đáng chú ý, Chery còn thiết lập quan hệ đối tác với những thương hiệu lớn như Huawei hay Alibaba và đặc biệt hơn cả là liên doanh Chery Jaguar Land Rover.

Theo thống kê, năm 2022, thương hiệu ô tô này bán được tổng cộng 1,23 triệu xe trên toàn cầu, trong đó hơn 451.000 xe xuất khẩu. Đánh dấu lần đầu tiên hãng có doanh số hàng năm vượt mốc một triệu xe.

Từ đầu năm 2023 đến này, doanh số của hãng ghi nhận được với hơn 1,2 triệu xe, các chuyên gia dự đoán trong năm nay sản lượng của Chery có thể đạt tới 2 triệu chiếc.

Chính thức quay lại Việt Nam sau 10 năm từng bán chiếc ô tô rẻ nhất tại Việt Nam

Được biết đây không phải là lần đầu tiên, Chery gia nhập thị trường Việt Nam. Trước đó, vào năm 2009, thương hiệu ô tô này đã vào Việt Nam thông qua Liên doanh Ô tô Hòa Bình (VMC).

Tại thời điểm đó, Chery trình làng sản phẩm đầu tiên là mẫu xe với tên gọi QQ3 và được xem là mẫu xe rẻ nhất thị trường Việt Nam tại thời điểm đó với mức giá bán dao động khoảng 195 triệu đồng. Đến tháng 6/2010, VMC tiếp tục cho ra mắt mẫu Chery Riich M1 với mức giá khoảng 288 triệu đồng.

Mặc dù cạnh tranh về giá bán, tuy nhiên yếu tố giá thành vẫn không thể giúp Chery có doanh số tốt và thành công trụ lại thị trường Việt Nam như kỳ vọng. Đến năm 2013, thương hiệu này chính thức rút lui khỏi thị trường Việt.

Với lần quay trở lại này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Chery đã thận trọng hơn rất nhiều. Bởi trước đó từ đầu năm 2022, hãng đã bắt đầu thăm dò thị trường, thu thập thông tin người tiêu dùng để phục vụ xây dựng cấu hình sản phẩm trước khi bán.

Cherry – hãng xe Trung Quốc vừa bắt tay với đại gia Vũ Văn Tiền - mạnh tới mức nào?
Mẫu xe Jaecoo và Omoda

Được biết, Tập đoàn Chery sẽ đầu tư 2 thương hiệu ô tô tại Thái Bình là ô tô Omoda và Jaecoo.

Như vậy, sau BYD và SAIC, Chery là hãng xe Trung Quốc thứ ba thông báo quay trở lại Việt Nam trong năm 2023 và tuyên bố xây dựng nhà máy lắp ráp. Nhưng về quy mô, Chery cho thấy tham vọng lớn hơn 2 đối thủ đồng hương.

Nhà máy liên doanh với Geleximco sẽ có nhu cầu diện tích khoảng 100ha đáp ứng quy mô sản xuất 200.000 xe/năm và 100ha phát triển khu công nghiệp phụ trợ phục vụ nhu cầu nội địa hóa để xuất khẩu. Dự kiến Tập đoàn Geleximco sẽ khởi công xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý II/2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý III/2025, ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV/2025. Ước tính giá trị gói đầu tư khoảng 800 triệu USD.

Dung lượng thị trường ô tô Việt Nam hàng năm hiện chỉ đạt từ 300.000-400.000 xe/năm, nhưng sức hút của ngành sản xuất ô tô vẫn rất lớn khi dự báo chạm ngưỡng 1 triệu xe vào năm 2028-2030. Trong khi đó, 3 "ông lớn" lắp ráp xe ở Việt Nam là Hyundai Thành Công đang tiến đến mức công suất 170.000 xe/năm, THACO là 150.000 xe/năm cho hai thương hiệu Mazda, KIA, và Vinfast là 250.000 xe/năm. Vì vậy, đầu tư giai đoạn này, Chery chắc chắn không hề dạo chơi mà muốn thực hiện mục tiêu sớm "full" công suất 200.000 xe/năm, đón trước thời điểm bùng nổ ô tô ở Việt Nam.

Trước khi lấn sân sang mảng xe điện, đại gia Vũ Văn Tiền sở hữu hệ sinh thái "khủng" cỡ nào?

Bán hàng đa cấp, New Image bất ngờ vượt mặt ông lớn Herbalife vươn lên số 1 về lợi nhuận

Kịch tính đấu giá xuyên đêm 3 mỏ cát tại Hà Nội, mức giá cuối cùng là 1.690 tỷ đồng

Yeah1 (YEG) lên phương án phát hành 55 triệu cổ phiếu thưởng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cherry-hang-xe-trung-quoc-vua-bat-tay-voi-dai-gia-vu-van-tien-manh-toi-muc-nao-209653.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chery – hãng xe Trung Quốc vừa bắt tay với đại gia Vũ Văn Tiền - mạnh tới mức nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH