Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phát huy vai trò điều tiết vĩ mô với hàng không qua việc điều tiết tải cung ứng, tránh quá tải sân bay.
Chiều 10/7 đã diễn ra Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải. Nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực vận tải, đăng kiểm, hàng không… đã được nêu cụ thể, đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đưa ra nhiều biện pháp khắc phục thời gian tới.
Báo cáo tại Hội nghị về hoạt động vận tải hàng không, ghi nhận ngành đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách, một số đường bay kết nối Việt Nam với quốc tế dần hồi phục như năm 2019 (năm trước đại dịch Covid-19).
Đặc biệt, báo Thanh Niên trích lời Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN), ông Đặng Ngọc Hòa, cho biết ngành hàng không vẫn còn gặp nhiều khó khăn. "Chi phí vận hành rất cao, nhưng giá vé máy bay như vé hè rẻ nhất trong 6 năm gần đây. Các hãng hàng không rất khó khăn. Theo tôi được biết, một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản”, ông Hòa thông tin.
Ông Hòa cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phát huy vai trò điều tiết vĩ mô với hàng không qua việc điều tiết tải cung ứng, tránh quá tải sân bay. Đồng thời, sớm có chính sách điều tiết giá trần.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines |
Về công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngành hàng không, đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), Bộ GTVT đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan quyết liệt triển khai thực hiện theo kế hoạch được chấp thuận; riêng với gói thầu nhà ga hành khách (gói 5.10), đã có văn bản yêu cầu ACV chủ động và chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian thi công gói thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu theo thẩm quyền của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư; thường xuyên đôn đốc ACV triển khai thi công dự án nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Điện Biên, Cát Bi,… bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.
Ngoài các vấn đề nóng của ngành hàng không, ngành đường sắt cũng có nhiều vấn đề được nhắc tới. Báo cáo ghi nhận vận tải đường sắt đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nền kinh tế, sản lượng hành khách tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2022.
Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 65/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2022/NP - CP, theo hướng kéo dài niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt dự kiến đến năm 2027 hoặc 2030 nhằm tận dụng các phương tiện giao thông đường sắt tuy hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, điều kiện khai thác an toàn.
Thủ tướng đề nghị hãng hàng không lớn của châu Âu đẩy mạnh hợp tác với Vietnam Airlines (HVN)
Việt Nam có đại diện duy nhất vào danh sách 25 hãng hàng không an toàn nhất thế giới