Chọn nhà thầu Pháp - Nhật cho dự án nhà máy thủy điện trọng điểm quốc gia, vốn đầu tư lên tới 167.000 tỷ đồng
Dự án là một phần trong sáng kiến đầy tham vọng nhằm mở rộng khả năng tiếp cận điện tại châu Phi hạ Sahara, đồng thời biến Mozambique thành trung tâm năng lượng khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa.
Mozambique vừa nhận được cam kết hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới cho kế hoạch xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Nam Phi trong vòng nửa thế kỷ qua.
Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga, tổ chức này sẽ cấp vốn dưới hình thức nợ và cổ phần, đồng thời cung cấp bảo lãnh rủi ro và bảo hiểm cho dự án thủy điện Mphanda Nkuwa trị giá 5 tỷ USD trên sông Zambezi, cùng dự án truyền tải điện đi kèm trị giá 1,4 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư ước tính sẽ vào khoảng 6,4 tỷ USD (tương đương 167.305 tỷ đồng)
Tổng thống Mozambique Daniel Chapo chia sẻ: “Chúng tôi muốn trở thành trung tâm năng lượng của khu vực Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC)”. Được biết nhiều quốc gia trong khối gồm 16 nước này hiện đã nhập khẩu điện từ Mozambique.

Nhà máy công suất 1.500MW, dự kiến đi vào vận hành khoảng năm 2031, là một phần trong chương trình “Mission 300” do Ngân hàng Thế giới khởi xướng, nhằm cung cấp điện cho 300 triệu người tại châu Phi hạ Sahara vào năm 2030. Khu vực này hiện chiếm hơn 80% trong số 680 triệu người trên toàn cầu chưa có điện.
Đầu tư công – tư cùng tham gia
Dự án Mphanda Nkuwa do liên danh gồm 2 tập đoàn Pháp là Electricité de France SA, TotalEnergies cùng công ty Nhật Sumitomo triển khai. Chính phủ Mozambique và công ty thủy điện Hidroeléctrica de Cahora Bassa sẽ nắm cổ phần trong dự án.
Nhà máy sẽ kết nối với lưới điện phía Nam – một trong ba lưới điện độc lập của Mozambique – nhằm cung cấp điện cho khu vực này, bao gồm thủ đô Maputo. Phần điện dư có thể được xuất khẩu sang các nước láng giềng như Zambia, Malawi và Zimbabwe.
Thiết kế mới đang được hoàn thiện sẽ giúp giảm đáng kể diện tích hồ chứa, chỉ còn bằng một phần rất nhỏ so với đập Cahora Bassa rộng gần 3.000 km2 và đập Kariba thượng nguồn trên biên giới Zambia – Zimbabwe.
Với diện tích hơn 5.000 km2, Kariba là hồ chứa nước nhân tạo có dung tích lớn nhất thế giới. Mục tiêu là giảm thiểu tác động đến môi trường và cộng đồng dân cư.
Sự hậu thuẫn từ Ngân hàng Thế giới diễn ra trong bối cảnh Mozambique đang nỗ lực phục hồi niềm tin nhà đầu tư sau bất ổn hậu bầu cử năm ngoái khiến hàng trăm người thiệt mạng.
>> Chính thức khởi động ‘siêu’ đập thủy điện lớn nhất thế giới, công suất vượt 3 lần Tam Hiệp