Vĩ mô

Chuẩn hóa chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Ánh Ngọc 13/06/2024 - 12:09

Việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của đối tác nhập khẩu chính là giải pháp cốt lõi để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao, cũng như khơi thông cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Những lợi thế và cơ hội

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, năm 2023, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt 15,53 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 12,1 tỷ USD tăng 16,4% và nhập khẩu đạt 3,4 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2022.

Cơ quan chức năng kiểm tra chất lương sầu riêng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cơ quan chức năng kiểm tra chất lương sầu riêng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 6,2 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 8,6% và nhập khẩu ước đạt 1,6 USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, hai bên đã ký 21 Thỏa thuận ghi nhớ, Nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản giữa hai nước, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, hiện đã có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có 12 mặt hàng rau quả, gồm: dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang nước bạn tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.

Một tin vui nữa là dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, gia cầm… là danh sách có thể được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Đây là cơ hội để nông sản Việt Nam thu thêm nhiều tỷ USD từ thị trường tỷ dân này.

Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đánh giá cao tiềm năng và giá trị của mặt hàng sầu riêng, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định: sầu riêng Việt Nam có lợi thế lớn khi sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.

Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ thị trường Việt Nam với 79.300 tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Sẵn sàng nguồn hàng chất lượng

Là doanh nghiệp có 12 năm kinh nghiệm, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Công ty CP Tập đoàn Vĩnh Khang đang chờ đón cơ hội từ sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu vào Trung Quốc. hiện doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để có thể được tham gia xuất khẩu sản phẩm này.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vĩnh Khang Đoàn Thùy Giang chia sẻ, từ khi ký Nghị định thư, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh. Mỗi một vụ, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 60 container, mỗi container hàng khoảng 18 tấn sầu riêng tươi. Giá sầu riêng của Việt Nam cạnh tranh hơn Thái Lan nên hấp dẫn các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Với mặt hàng dừa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datafa Phạm Thành Danh cho hay, năm ngoái công ty tham gia một hội chợ tại Trung Quốc và đã tìm được đối tác. Theo đó, trung bình mỗi tháng công ty xuất bán được 4 container sản phẩm nước dừa sang thị trường Trung Quốc. Để sản phẩm tiếp cận thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp luôn đáp ứng 2 yếu tố quan trọng là chất lượng và giá cả.

Nói về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng rau quả, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan tới chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, cần cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn cho công nghiệp chế biến để vừa đa dạng hóa các sản phẩm trái cây xuất khẩu, vừa góp phần giảm tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tươi, sản phẩm thô, vừa giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm trong thời điểm mùa vụ.

Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu chạm mốc kỷ lục mới, khoảng 6,5 tỷ USD. Dự báo thị trường xuất khẩu tiếp tục thuận lợi trong nửa cuối năm, nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam được dự báo tiếp tục được khơi thông tại thị trường Trung Quốc.

Việc cần làm hiện nay là các địa phương, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn cung chất lượng, tăng cường chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu; đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để rau quả tiếp tục giữ phong độ ngành hàng chủ lực tăng trưởng mạnh, giá trị cao.

Trung Quốc là một thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe, nên doanh nghiệp phải giảm mức độ phụ thuộc, cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao. Hay nói cách khác là doanh nghiêp cần định vị lại sản phẩm của mình, đã thâm nhập thị trường Trung Quốc thì phải tính đến việc tồn tại và phát triển lâu dài.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung

>> 5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn tăng mạnh

5 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn tăng mạnh

Xuất khẩu nông sản tăng gần 24%

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/chuan-hoa-chat-luong-de-day-manh-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chuẩn hóa chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
POWERED BY ONECMS & INTECH