Chuyên gia: Lạm phát còn thấp, Ngân hàng Nhà nước sẽ không thắt chặt tiền tệ

17-03-2022 11:16|Minh Khuê

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Đức Độ, với tình hình tiêu dùng yếu và lạm phát thấp hiện nay, không có lý do gì để Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ trong năm 2022.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao. Giá dầu Brent đã có lúc vượt ngưỡng 130 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 2/2013.

Trong nước, ngày 11/3, giá xăng dầu đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử, mỗi lít xăng RON 95 tăng gần 3.000 đồng một lít, lên sát 30.000 đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng đang chịu áp lực lạm phát rất lớn từ những biến động trên thế giới.

Trước áp lực lạm phát, nhiều quốc gia trên thế giới đã phải thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ để bảo vệ nền kinh tế. Mới đây nhất, trước đà lạm phạt gia tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của cơ quan này kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài Chính), nền kinh tế trong nước hiện đang có áp lực giá xăng tăng nhưng lạm phát chưa đạt mức cao để thực hiện các chính sách tiền tệ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong vòng một năm qua, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 50%, khiến giá hàng hóa thuộc nhóm giao thông trong rổ CPI tăng 15,46%, đồng thời làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, theo ông Độ, về tổng thể, chỉ số CPI trong vòng một năm qua mới chỉ tăng 1,42%. Điều đó có nghĩa là giá cả của các hàng hóa còn lại gần như không thay đổi. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tiêu dùng hiện nay vẫn còn yếu, nên mặc dù chi phí sản xuất tăng, các doanh nghiệp chưa thể tăng giá mạnh.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2022 của Việt Nam chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, còn nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 0,3%. Chỉ số này trong năm 2021 cũng chỉ tăng 0,7%. Theo đó, mức tiêu dùng của người dân gần như đứng yên tại chỗ trong vòng 2 năm qua.

Qua những số liệu trên, ông Độ nhận định, nhu cầu tiêu dùng của Việt Nam vẫn yếu, giá cả hàng hóa hiện nay vẫn tăng chậm, lạm phát vẫn thấp, bất chấp giá xăng dầu tăng mạnh.

Về gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, chuyên gia này nhận định, nếu Ngân hàng Nhà nước khống chế cung tiền tăng trưởng ở mức hợp lý như thời gian qua, tình trạng lạm phát cao sẽ không xảy ra.

Với tình hình tiêu dùng yếu và lạm phát thấp hiện nay, chuyên gia Nguyễn Đức Độ cho biết: "Tôi không thấy có lý do gì để Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ trong năm 2022. Tất nhiên, trong thời gian tới, lãi suất trên thị trường có thể sẽ tăng nhẹ, khi nhu cầu tín dụng phục hồi nhanh. Nhưng nếu điều này xảy ra, đó là tin tốt".

Mới đây, trong báo cáo vĩ mô mới phát hành, VNDirect cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 do 3 yếu tố chính.

Thứ nhất, dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 4%.

Thứ hai, sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Lộ diện những nền kinh tế tốt nhất thế giới năm 2024: Duy nhất một đại diện châu Á lọt top

Lạm phát Mỹ tiếp tục tăng nhanh trước thềm cuộc họp chính sách của Fed

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-lam-phat-con-thap-ngan-hang-nha-nuoc-se-khong-that-chat-tien-te-132565.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia: Lạm phát còn thấp, Ngân hàng Nhà nước sẽ không thắt chặt tiền tệ
    POWERED BY ONECMS & INTECH