Cổ đông ngoại giảm sở hữu tại doanh nghiệp sở hữu siêu cảng Gemalink
Động thái bán cổ phiếu của nhóm quỹ ngoại ngay trước kế hoạch phát hành ESOP và đề xuất tăng giá dịch vụ bốc dỡ container đã đẩy cổ phiếu GMD vào tâm điểm chú ý của giới đầu tư, hứa hẹn biến động mạnh trong thời gian tới.
![]() |
Siêu tàu tại cảng nước sâu Gemalink |
Nhóm quỹ thuộc Công ty TNHH Quản lý quỹ KIM Việt Nam vừa bán 490.000 cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept vào ngày 18/2, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,1% xuống còn 5,99%, tương đương gần 24,8 triệu cổ phiếu.
Động thái này diễn ra ngay sau khi Gemadept công bố kế hoạch phát hành hơn 6,2 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, nhân viên xuất sắc năm 2023 với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm nhằm giữ chân và thu hút nhân tài, đồng thời tăng cường sự gắn kết và động lực cho người lao động. Thời gian đăng ký mua ESOP từ 24/2 - 3/3/2025.
Gemadept là một trong những doanh nghiệp vận hành cảng container và cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất Việt Nam, với Gemalink – cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và là một trong 19 cảng trên thế giới có khả năng đón siêu tàu lớn nhất hiện nay.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng khai thác cảng đóng góp 70-80%, còn lại đến từ mảng logistics. Năm 2024, mảng khai thác cảng đóng góp hơn 4.200 tỷ đồng, chiếm 86% tổng doanh thu của Gemadept. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 24% còn 1.905 tỷ đồng do không còn khoản thu đột biến từ thoái vốn như năm 2023.
Gemalink điều chỉnh giá bốc dỡ container, kỳ vọng tăng lợi nhuận
Từ đầu tháng 2/2025, Gemalink (thành viên của Gemadept) đã áp dụng khung giá mới cho dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, niêm yết ở mức tối đa theo quy định hiện hành: 66 USD/container 20 feet, 97 USD/container 40 feet, 108 USD/container 45 feet
Mới đây, Gemalink đã gửi văn bản tới Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam, đề xuất tăng giá dịch vụ bốc dỡ container. Lý do được đưa ra là giá dịch vụ bốc dỡ tại cảng biển Việt Nam vẫn thấp so với khu vực.
Theo Gemalink, giá bốc dỡ container của Việt Nam chỉ bằng 50% khu vực, khiến doanh thu không đủ tái đầu tư, ảnh hưởng đến xanh hóa và số hóa cảng biển, vốn đòi hỏi chi phí đầu tư lớn.
Nếu đề xuất tăng giá được chấp thuận, Gemalink có thể cải thiện biên lợi nhuận, đồng thời gia tăng dòng tiền tái đầu tư vào công nghệ xanh hóa, số hóa và mở rộng hạ tầng. Điều này sẽ giúp Gemadept giữ vững vị thế "trùm" cảng biển tại Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực.
>> 'Game lớn' ở doanh nghiệp tỷ USD ngành cảng biển: Sắp thoái vốn vườn cao su 30.000ha