Có gì tại "vùng lõi" Thủ Thiêm, nơi dự kiến đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 70 tỷ đô?
Điểm đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có đầy đủ yếu tố thuận lợi về giao thông và mặt bằng để kết nối các vùng phụ cận.
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được đặt tại vùng lõi khu đô thị Thủ Thiêm. Tổng mức đầu tư từ 68,9 tỷ đô đến trên 70 tỷ đô. Với diện tích khoảng 17,2 ha, nhà ga Thủ Thiêm được quy hoạch là một trong những ga đường sắt trung tâm của TP.HCM, kết nối đồng bộ với tuyến đường sắt đô thị số 2 TP.HCM giai đoạn 2, tuyến Bến Thành - Thủ Thiêm.
Vị trí khu vực dự kiến quy hoạch dự án ga Thủ Thiêm nằm giữa đại lộ Mai Chí Thọ (đường trục xương sống của KĐT Thủ Thiêm) và đường Lương Định Của (phường An Phú, TP Thủ Đức). Nhà ga này sẽ đón, trả khách thuộc tàu khách Bắc - Nam và là đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Sau 10 năm, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất quy hoạch Thủ Thiêm là ga trung tâm, phục vụ đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Ga đầu mối Thủ Thiêm được xây dựng trên vị trí đắc địa khi được quy hoạch ngay đầu đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - nơi đang thi công nút giao thông với quy mô ba tầng, gồm hầm chui và cầu vượt, tổng vốn gần 4.000 tỷ đồng, đường Đồng Văn Cống dẫn đi phà Cát Lái, nhà ga Metro số 1 ở khu Thảo Điền và các quận lân cận như quận Bình Thạnh, quận 1.
Khu đô thị Thủ Thiêm hiện được quy hoạch hoàn chỉnh với hạ tầng giao thông được đầu tư trọng điểm. Có 4 tuyến đường chính: đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía nam. Hiện nơi đây phần lớn là quỹ đất sạch, có hàng rào tôn bao bọc xung quanh.
Về phát triển đô thị, dự án ga đường sắt này nằm giữa vùng lõi khu đô thị Thủ Thiêm, xung quanh được bao bọc bởi nhiều tòa chung cư, khu căn hộ dân cư đông đúc.
Vị trí ga "đầu não" tại TP. HCM đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao với các hệ thống giao thông của khu đô thị mới Thủ Thiêm và của TP.HCM.
Khu vực quảng trường ga đường sắt tốc độ cao Thủ Thiêm là không gian xây dựng các điểm dừng xe buýt, bãi đỗ taxi, nhà ga của tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 2), kết nối quảng trường ga với trục Đông – Tây (đại lộ Mai Chí Thọ) vào trung tâm TP. HCM qua hầm Thủ Thiêm. Đồng thời, khu vực xung quanh quảng trường ga được quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Hướng tuyến như trên đảm bảo kết nối hướng tuyến các địa phương liền kề (Đồng Nai ở phía bắc); hạn chế ảnh hưởng tới các công trình hiện hữu, bám sát để đi về vị trí ga được lựa chọn.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545 km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm.
Kịch bản dự thảo đề xuất 3 phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư từ 68,9 tỷ đô đến trên 70 tỷ đô. Trong kịch bản cũng tiết lộ lý do cấp thiết cần phải xây dựng sớm dự án đường sắt tốc độ cao ở nước ta bởi hệ thống đường sắt Bắc, Nam hiện hữu đã tụt hậu so với các nước trong khu vực.
>>Hiện trạng tuyến đường huyết mạch cửa ngõ TP.HCM 'chờ' 4.300 tỷ đồng để mở rộng
Tỉnh đặt 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sắp có thêm 1 thành phố mới
Hé lộ vị trí hai nhà ga đường sắt tốc độ Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Nam