Cơ hội nào cho xe điện?
Các hãng xe lớn của châu Âu đang phải đối mặt với vô vàn thách thức trên con đường điện khí hóa hoàn toàn.
Mới đây, Volvo Cars thông báo đã từ bỏ kế hoạch đầy tham vọng là chỉ bán xe điện vào năm 2030, với lý do cần phải “thực tế và linh hoạt” trong bối cảnh điều kiện thị trường thay đổi.
Nhà sản xuất ô tô Thụy Điển cho biết, hiện họ đặt mục tiêu từ 90% đến 100% doanh số bán xe của mình sẽ là các mẫu xe hoàn toàn chạy điện hoặc xe plug-in hybrid vào năm 2030. Họ cho biết thêm, tới 10% doanh số bán xe có thể vẫn là các mẫu xe mild hybrid trong khoảng thời gian này.
Volkswagen, cùng với một số nhà sản xuất ô tô khác như Ford và Mercedes-Benz, cũng đã công bố kế hoạch trì hoãn các mục tiêu ban đầu nhằm ngừng bán xe động cơ đốt trong tại châu Âu.
"Hiện tại, nhiều nhà sản xuất đang xem xét lại quá trình trì hoãn các mục tiêu điện khí hóa. Chúng ta đang thấy điều này diễn ra trên toàn ngành", Tim Urquhart, nhà phân tích ô tô chính tại S&P Global Mobility, chia sẻ với chương trình "Squawk Box Europe" của CNBC. "Nhiều nhà sản xuất, từng ngừng đầu tư vào công nghệ động cơ đốt trong, đang dần nhận ra rằng nếu không tiếp tục đầu tư thì họ sẽ mất đi khả năng cạnh tranh và trong showroom của họ sẽ không có những sản phẩm phù hợp mà khách hàng muốn mua".
Urquahart cho biết, Chính phủ tại các thị trường trọng điểm đã thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân mua xe điện chạy bằng pin (BEV) với mục tiêu bắt buộc. Tuy nhiên xu hướng này đang “ngày càng có vấn đề”.
Vương quốc Anh đã đưa ra quy định mới, theo đó, 22% tổng số ô tô mới bán ra trong năm nay phải là xe không phát thải. Mục tiêu này nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và sẽ được tăng dần. Mục tiêu đến năm 2035, tất cả ô tô mới bán ra đều là xe điện.
"Cả cơ quan quản lý và nhà sản xuất đều cần có một cách tiếp cận thực tế hơn. Có vẻ như các nhà sản xuất đang chủ động hơn trong việc ứng phó với xu hướng này", Urquhart nhận định. "Hiện tại, chỉ có các nhà sản xuất mới thực sự hiểu được nhu cầu của khách hàng đối với xe điện, và số lượng xe điện chạy bằng pin trên thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ".
Sự kỳ vọng quá mức
Khi công bố kế hoạch xe điện (EV) được sửa đổi vào tuần trước, Volvo Cars đã nêu ra một loạt thách thức đối với tham vọng điện khí hóa của ngành công nghiệp ô tô.
Nhà sản xuất ô tô này cho biết việc triển khai cơ sở hạ tầng sạc chậm hơn dự kiến, các chính sách hỗ trợ thay đổi thất thường và những lo ngại về chi phí đối với xe điện ở một số thị trường đã tạo ra nhiều khó khăn.
Volvo Cars cho rằng những diễn biến này cho thấy cần có "các chính sách mạnh mẽ và ổn định hơn" từ Chính phủ để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch.
Khi được hỏi liệu những thách thức này có làm giảm động lực mua EV của người tiêu dùng không, Urquhart trả lời: “Tôi nghĩ đây chính là vấn đề.”
“Có vẻ như mỗi ngày đều có những tin tức tiêu cực về xe điện chạy pin (BEV) trên các phương tiện truyền thông chính thống, nhiều tin tức không được nghiên cứu kỹ, nhưng phần lớn trong số đó là sự thật,” Urquhart nói. “Người tiêu dùng đang đối mặt với một quyết định rất khó khăn. Họ đã quen với một công nghệ trong suốt 130 năm, và giờ chúng ta yêu cầu họ hoàn toàn thay đổi cách họ lái xe, sử dụng xe và sạc xe thay vì đổ xăng".
“Tôi nghĩ rằng đã có một sự quá nhiệt tình từ các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), và có lẽ cả từ phía chúng tôi ở một số khía cạnh, đối với BEV. Chúng ta đã không thực sự hiểu rằng việc thuyết phục đa số người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn cách họ sử dụng và vận hành xe là một thử thách rất lớn", ông tiếp tục
Hành trình phi tuyến tính
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng bất chấp những bất ổn ngắn hạn, các nhà sản xuất ô tô nhận thức rõ rằng họ không thể bỏ lỡ cơ hội với EVs, và hướng đi này vẫn rõ ràng.
“Chuyển đổi sang EV là một hành trình phi tuyến tính với nhiều thách thức, như chúng ta đã thấy trong vài năm qua. Nhưng nó ngày càng gây áp lực cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu, trong khi tổng doanh số bán ô tô mới không thể trở lại mức trước đại dịch tại thị trường trong nước", Rico Luman, chuyên gia kinh tế cấp cao về vận tải và hậu cần tại ngân hàng ING Hà Lan, viết trong một ghi chú nghiên cứu gần đây.
Luman cho biết quyết định của một số nhà sản xuất ô tô châu Âu về việc trì hoãn chuyển đổi sang EV nhằm mục đích duy trì lợi nhuận và bảo toàn sự linh hoạt trong môi trường nhiều biến động.
Ông cũng nhận định sự chậm lại trong doanh số EV ở phương Tây có nhiều nguyên nhân và có khả năng chỉ là tạm thời.
Luman cho biết trong một lưu ý được công bố vào ngày 6/9: “Hướng đi vẫn không thay đổi và các khoản đầu tư vào việc thay đổi danh mục sản phẩm vẫn cần tiếp tục để đảm bảo vị thế dài hạn trên thị trường trong thập kỷ tới”.
Theo CNBC
>> Xe điện giá rẻ Trung Quốc ‘làm mưa làm gió’ tại các con đường ở châu Âu
Xe điện giá rẻ Trung Quốc ‘làm mưa làm gió’ tại các con đường ở châu Âu
Thuế suất 100% cũng không ăn thua: Xe điện Trung Quốc vẫn 'đè bẹp' Tesla về giá cả tại Mỹ