'Con gái nhà người ta' vào đại học từ 9 tuổi, 17 tuổi trở thành Tiến sĩ trẻ tuổi nhất nước Mỹ

27-05-2024 16:27|Vũ Bấc

Câu chuyện truyền cảm hứng của cô gái lấy bằng Tiến sỹ ngành Tâm lý khi mới 17 tuổi: Không bao giờ là quá trẻ để nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng

Dorothy Jean Tillman II - nữ sinh 17 tuổi ở Chicago đã làm nên lịch sử khi trở thành Tiến sĩ trẻ tuổi nhất nước Mỹ ở lĩnh vực Sức khỏe Tâm lý hành vi tại Đại học Bang Arizona.

Hành trình học tập phi thường của Dorothy Jean Tillman II đã được nhiều người biết đến kể từ khi cô gái trẻ gây nên tiếng vang khắp nước Mỹ năm 2018, lấy bằng cử nhân ở Excelsior College, Chicago lúc mới 12 tuổi.

Không bao giờ ngừng cố gắng trên con đường tri thức, nữ sinh Mỹ lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 17
Dorothy Jean Tillman II đại diện cho các Tiến sĩ mới tốt nghiệp của Khoa, phát biểu tại buổi lễ trao bằng của Đại học bang Arizona (tháng 5/2024)

Thời gian trôi nhanh đến năm 2020, Tillman nhanh chóng tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học tự nhiên (STEM) tại Unity College. Chỉ một năm sau, ở tuổi 15, cô đã tham gia Chương trình tiến sĩ của Đại học bang Arizona (Arizona State University) về quản lý sức khỏe hành vi, tiếp tục con đường học vấn của mình.

Đầu tháng 5 năm nay, Tiến sĩ Tillman, còn chưa bước qua tuổi 18 tuổi, đã tham dự lễ tốt nghiệp của Bang Arizona và phát biểu với tư cách là nghiên cứu sinh tốt nghiệp xuất sắc năm 2024 tại lễ trao bằng của Trường Giải pháp Y tế, Đại học bang Arizona.

Tiến sĩ Lesley Manson, Giám đốc chương trình tiến sĩ sức khỏe hành vi tại Đại học bang Arizona cho biết trong quá trình nghiên cứu, Tillman đã thể hiện sự kiên trì phi thường, tinh thần làm việc chăm chỉ và cống hiến của sức trẻ, và luôn “đối mặt với mọi thử thách”.

Giáo sư Manson cũng nhận định rằng cô Tiến sĩ nhỏ tuổi nhất tại lễ tốt nghiệp năm nay “thực sự là một hình mẫu lý tưởng” đáng được noi theo.

Nền tảng gia đình

Tờ báo New York Times cho biết bên cạnh tinh thần theo đuổi kiến thức và kiên nhẫn, nền tảng gia đình cũng góp phần làm nên những thành công của Dorothy Tillman II. Cụ thể, cô bé được mẹ là bà Jimalita Tillman phát hiện ra khả năng thần đồng từ rất sớm. Bà đã nuôi dạy con gái mình tại nhà với chương trình giáo dục tự thiết kế sau khi cô bé hoàn thành giáo dục năng khiếu trong những năm đầu đời.

Với sự kèm cặp của mẹ, khi lên 8, cô bé đã tăng tốc theo học các lớp trung học. Trong khi hầu hết những người bạn cùng trang lứa 9 tuổi khi đó còn đang học làm toán và tập đọc, cô bé DJ (tên viết tắt và biệt danh thân mật của Tilman ở nhà) đã bắt đầu các khóa học trực tuyến ở Đại học.

Mẹ của DJ đã quyết định đặt tên em theo tên bà ngoại, nhà hoạt động dân quyền Dorothy Wright Tillman - tham gia vận động quyền cho người da đen và phụ nữ, từng cộng tác với mục sư Martin Luther King Jr. Nhờ đó, sự hiếu học, chủ động và quyết tâm đóng góp cho cộng đồng đã được hun đúc và gìn giữ qua nhiều thế hệ của gia đình Tilman. Chính DJ cũng cho biết sự kỷ luật và tự giác mà cô có được là nhờ sự dạy dỗ của bà ngoại.

Không bao giờ ngừng cố gắng trên con đường tri thức, nữ sinh Mỹ lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 17
Dorothy Jean Tillman cùng gia đình, bạn bè tại buổi lễ tốt nghiệp

Khó khăn lớn nhất mà Dorothy gặp phải là khi giãn cách xã hội, hầu hết các khóa học đều trực tuyến và phải ở nhà toàn thời gian, trong khi cô bé tự cảm thấy mình là một người hướng ngoại. Cô nói: “Tôi rất thích gặp gỡ những người mới, nói chuyện với mọi người và tìm hiểu họ cũng như cách bộ não của họ hoạt động. Cô tìm ra những cách khác để duy trì kết nối với bạn bè thông qua các hoạt động sau giờ học.

Con đường học tập của Dorothy cũng phần nào phản ánh tính cách luôn tò mò về con người và cách mà thế giới bên trong con người vận hành. Năm 10 tuổi, cô lấy được bằng cao đẳng Tâm lý học tại trường Cao đẳng Lake County ở Illinois. Năm 12 tuổi, cô nhận bằng Cử nhân Khoa học về nhân văn tại Đại học Excelsior ở New York và ở tuổi 14, cô lấy bằng Thạc sĩ Khoa học tại Đại học Unity ở Maine. Theo Dorothy, những lĩnh vực này có thể giúp các nhà khoa học “hiểu lý do tại sao mọi người đối xử với môi trường xung quanh theo cách họ thường làm”.

“Khát khao làm chủ”

Bà Ellen Winner, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Boston và là tác giả cuốn sách “Những đứa trẻ có năng khiếu: Huyền thoại và thực tế”, nói rằng những đứa trẻ như Tiến sĩ Tillman có một động lực mãnh liệt mà bà gọi là “khát khao làm chủ”. Làm chủ ở đây không hoàn toàn là trở thành lãnh đạo, mà là trở nên hoàn toàn thông thạo và đóng góp lớn cho một lĩnh vực nào đó như khoa học hay nhân văn.

Bên cạnh đó, Giáo sư Ellen Winner cũng chỉ ra rằng một trong những lý do khiến những thần đồng này thúc đẩy bản thân không ngừng nghỉ là vì năng khiếu đã giúp việc học trở nên dễ dàng, thú vị và khiến các em khao khát được tìm tòi, khám phá”. Vị giáo sư cũng nhận định rằng trường học thông thường chỉ dành cho việc phổ cập kiến thức chứ không trang bị được gì nhiều cho những đứa trẻ có năng khiếu như vậy, và việc phụ huynh nghiên cứu các chương trình tự giáo dục cho con học tại nhà khi con cái có thiên bẩm đôi khi cũng làm lỡ cơ hội hòa nhập xã hội với những trẻ em đồng trang lứa.

Mặc dù mọi phương pháp đều có những tác động hai mặt tiêu cực - tích cực nhưng trong trường hợp của Dorothy Tillman, sự nuôi dạy của mẹ phần lớn là sự khuyến khích và tạo môi trường tốt cho con. Dorothy là người đưa ra các quyết định chính đối với con đường mình sẽ đi, và cô nghĩ “mình vẫn đang tiếp tục đi tìm câu trả lời cho thắc mắc ‘Tôi là ai?’”.

Trước khi nhận bằng Tiến sĩ, Dorothy Tillman đã thành lập một tổ chức hỗ trợ thanh niên da đen ở Chicago, trong ngành STEM và nghệ thuật có tên là Viện Lãnh đạo STEAM Dorothy Jeanius vào năm 2020 khi Đại dịch COVID19 bắt đầu hoành hành.

Không bao giờ ngừng cố gắng trên con đường tri thức, nữ sinh Mỹ lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 17
Dorothy Jean Tilman II (năm 12 tuổi) bên cạnh bà ngoại Dorothy Wright Tilman, sau khi cô bé tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Excelsior, New York

Có lẽ những hoạt động hỗ trợ cộng đồng này đã khiến Dorothy nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và thôi thúc cô tiếp tục nghiên tục nghiên cứu, đóng góp cho khoa học và công tác xã hội. Chính Dorothy đã thuyết phục mẹ ủng hộ quyết định học lên Tiến sĩ ngay sau khi lấy bằng thạc sĩ, khi bà Jimalita Tillman cảm thấy lo lắng về sức khỏe của con gái với quá nhiều công việc.

Luận án tiến sĩ của Dorothy Tilman II về việc phát triển Chương trình nhằm giảm bớt sự kỳ thị đối với sinh viên đại học, trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nhận được đánh giá cao của các Giáo sư hội đồng ĐH bang Arizona. Dorothy Tillman II hy vọng câu chuyện của cô sẽ mang lại niềm cảm hứng, cổ vũ “những cô gái ngoài kia đang cố gắng tìm hiểu bản thân” sẽ tiếp tục con đường họ đang theo đuổi.

Mặc dù đã ở một vị thế khác với học vị Tiến sĩ nhưng cũng như bao cô gái ở độ tuổi teen, Dorothy cũng như các bạn, háo hức chuẩn bị thật lộng lẫy cho ngày vũ hội “Prom” của trường.

Một trong những điều được vị tiến sĩ nhỏ tuổi này đề cao là sự khiêm tốn và nhiệt huyết học hỏi. Trong bài phát biểu tại buổi lễ trao bằng Tiến sĩ, Tilman gửi đến những người đồng nghiệp một lời nhắc về sự thật đằng sau vẻ hào nhoáng do mạng xã hội tạo ra, tầm quan trọng của tư duy phản biện trong việc lý giải và chuẩn bị cho sự phức tạp cũng như tính bất ổn của cuộc sống.

>> Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sẽ bay vào vũ trụ: Tốt nghiệp Đại học Harvard, thực tập tại NASA, 27 tuổi được đề cử giải Nobel Hòa bình

Thiên tài toán học đứng sau 'cỗ máy kiếm tiền' vĩ đại nhất thế giới, tạo ra cuộc cách mạng trong giới đầu tư

Tiến sỹ Việt giới thiệu mô hình AI, đối tác Apple mở nhà máy ở Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/con-gai-nha-nguoi-ta-vao-dai-hoc-tu-9-tuoi-17-tuoi-tro-thanh-tien-si-tre-tuoi-nhat-nuoc-my-236222.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Con gái nhà người ta' vào đại học từ 9 tuổi, 17 tuổi trở thành Tiến sĩ trẻ tuổi nhất nước Mỹ
POWERED BY ONECMS & INTECH