Công viên nước 'kinh dị' lớn nhất thế giới của Việt Nam được chi hàng chục tỷ 'lên đời', đổi tên mới
Muộn nhất đến tháng 2/2025, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp tại đây sẽ được lát đá granite chống trượt và đưa vào hoạt động phục vụ người dân.
Ngày 24/9, ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) thông báo Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã được giao làm chủ đầu tư cho dự án xây dựng Công viên Thiên An. Công viên Thiên An sẽ được xây dựng tại khu vực Công viên hồ Thủy Tiên (xã Thủy Bằng) vốn từng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Đáng chú ý, nơi đây còn có tượng rồng khổng lồ với vẻ ngoài "ma mị" từng gây xôn xao dư luận khi xuất hiện trên báo nước ngoài.
Dự án bao gồm các hạng mục chính: hệ thống đường giao thông, chiếu sáng, thoát nước (giai đoạn đầu), và thác rồng (giai đoạn sau). Theo ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, dự án này có tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, trong đó 17 tỷ đồng dành cho việc xây dựng các hạng mục như đường đi bộ, đường xe đạp, hệ thống chiếu sáng và thoát nước.
Dự án đã chính thức khởi công từ ngày 12/8 và dự kiến hoàn thành sau 180 ngày, tức vào đầu tháng 2/2025. Tuyến đường đi bộ và xe đạp trong công viên có chiều dài hơn 2km, chạy quanh hồ Thủy Tiên với bề rộng từ 4,5 đến 5,5m. Mặt đường sẽ được thảm bê tông dày 20cm trước khi lát đá granite chống trượt.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc đổ bê tông đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng công việc, và các hạng mục khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Theo thông tin từ phóng viên Dân trí, tại kỳ họp thứ 8 (ngày 18/7), HĐND thành phố Huế, nhiệm kỳ 2021-2026, đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Công viên Thiên An, bao gồm hạng mục thác rồng, với tổng mức đầu tư gần 29 tỷ đồng. Thác rồng sẽ được thiết kế hình vòm, âm xuống khoảng 4m và nằm gần tượng rồng khổng lồ trong khu công viên bị bỏ hoang.
Ông Lê Như Chinh cho biết chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục hồ sơ cần thiết để triển khai dự án theo quy định. Mục tiêu của thành phố là tạo ra một không gian công cộng phục vụ miễn phí cho người dân và du khách, nơi họ có thể tham quan, trải nghiệm, cắm trại, tổ chức các hoạt động văn hóa và thể thao. Dự án cũng nhằm tạo thêm điểm nhấn, thu hút du khách đến Huế.
Ông Chinh chia sẻ thêm rằng, Công viên Thiên An sẽ bao gồm khu công viên Huế - Hà Nội - TPHCM, với các hạng mục mang ý nghĩa biểu trưng cho sự gắn kết sâu sắc giữa ba thành phố này.
Công viên nước hồ Thủy Tiên nằm dưới chân đồi Thiên An (xã Thủy Bằng, thành phố Huế) được đưa vào hoạt động từ năm 2004. Công viên có diện tích gần 50 ha với nhiều công trình, nổi bật là tượng rồng khổng lồ giữa lòng hồ. Tuy nhiên, công viên đã bị bỏ hoang nhiều năm do không khai thác hiệu quả.
Tờ Huffington Post (Mỹ) từng có bài viết và hình ảnh đầy huyền bí về nơi này, khiến công viên hồ Thủy Tiên trở thành điểm thu hút khách du lịch. Nơi đây được giới thiệu là công viên nước bị bỏ hoang lớn nhất thế giới, về mặt kỹ thuật, việc tham quan công viên nước Thủy Tiên là không được phép.
Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định thu hồi toàn bộ diện tích dự án. Khu đất sau đó được bàn giao cho thành phố Huế để quản lý và khai thác. Đến năm 2022, chính quyền quyết định đầu tư 20 tỷ đồng để chỉnh trang khu vui chơi công cộng này, biến nơi đây thành một điểm du lịch hấp dẫn.
Các tài sản trên khu đất, bao gồm cả tượng rồng khổng lồ giữa lòng hồ Thủy Tiên, được đem ra đấu giá cho một doanh nghiệp tại Đà Nẵng để tháo dỡ, trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi thảo luận với doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định giữ lại tượng rồng và giao cho Trung tâm Công viên Cây xanh Huế quản lý.
Lăng mộ cổ thời Minh Mạng ẩn mình giữa lòng công viên đẹp nhất Sài thành ít người biết đến
Thành phố giàu nhất Việt Nam đề xuất đầu tư 6 công viên quy mô lớn để tăng mảng xanh