Chứng khoán

Cuộc chiến giá thép HRC giữa Hòa Phát và Hoa Sen: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Quốc Trung 15/08/2024 - 15:55

Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và Hòa Phát (HPG) đang đối mặt với mâu thuẫn về giá thép cuộn cán nóng (HRC). Hoa Sen mong muốn mua HRC với giá hợp lý, trong khi Hòa Phát muốn đẩy mạnh việc bán hàng giá cao.

Gần đây, ngành thép nói chung và Tập đoàn Hoa Sen (Mã HSG) liên tiếp phải đón nhận nhiều tin tức tác động từ chính sách vĩ mô. Cụ thể:

- Việt Nam điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép từ Trung Quốc và Ấn Độ.

- Châu Âu điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn từ Việt Nam.

- Giá HRC giảm sâu, chạm vùng đáy 3 năm.

Phần lớn các sự kiện này đem đến bất lợi cho doanh nghiệp ngành thép.

Tập đoàn Hoa Sen, một trong những công ty hàng đầu trong ngành thép tại Việt Nam, đặc biệt nổi bật với sản phẩm thép HRC (thép cuộn cán nóng), chịu tác động ngay lập tức từ cả 3 động thái trên.

Cuộc chiến giá thép HRC giữa Hòa Phát và Hoa Sen: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Thép cuộn cán nóng - nguyên liệu quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ

Hoa Sen không còn được mua với giá hời nếu điều tra chống bán phá giá HRC

Trước hết, cần nhấn mạnh rằng thép cán nóng HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Đây cũng là những sản phẩm chủ lực tạo nên danh xưng "vua tôn" của Hoa Sen.

Khi giá thép HRC trên thị trường tăng, Hoa Sen có thể bán sản phẩm của mình với giá cao hơn, từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Mặt khác, doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh giá bán của thép HRC để tận dụng sự biến động giá trên thị trường, cải thiện biên lợi nhuận.

Tuy nhiên, giá thép HRC hiện đang giảm. Nguyên nhân giảm đến từ việc giá thấp của HRC tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt 6 triệu tấn. Điều này gây sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng nội địa - đặc biệt với Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG), một trong hai doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất được HRC (cùng với Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh).

Phía Hòa Phát cho biết, giá HRC tại thị trường Việt Nam từng tăng một nhịp ngắn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II. Thị trường xuất khẩu cũng đối mặt nhiều thử thách do dư thừa thép cuộn cán nóng và việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.

Áp lực cạnh tranh gắt gao khiến Hòa Phát và Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nộp đơn đề xuất Bộ Công Thương tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm HRC từ Trung Quốc.

Hòa Phát muốn bán HRC giá cao để tối ưu lợi nhuận

Trong văn bản phản biện của mình, Tập đoàn Hoa Sen cho biết đã thu thập các dữ liệu bao gồm: (1) Giá bán nội địa của sản phẩm HRC tại thị trường Trung Quốc từ S&P Global trong giai đoạn 1/1/2023 – 31/12/2023; (2) đơn giá xuất khẩu trung bình HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam theo điều khoản CFR; (3) ước tính giá xuất khẩu sau khi điều chỉnh về giá xuất khẩu tại xưởng sau khi trừ tất cả các loại chi phí liên quan của sản phẩm HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Theo tính toán của Hoa Sen, biên độ phá giá chỉ 1,26%, sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá.

Phía Hoa Sen cũng cho biết: "Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá chúng tôi nhập khẩu HRC, từ 10-20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40-50 USD/tấn và luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán."

Chính vì vậy, Hoa Sen cho rằng vì cung HRC trong nước hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu HRC tại Việt Nam nên không có chuyện thừa cung trong nước, do đó các doanh nghiệp tôn mạ vẫn phải mua nhập khẩu. Phía Hoa Sen nhấn mạnh, hiện các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam không đối mặt với sự thiệt hại nào từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và đề xuất không áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Mâu thuẫn giữa hai doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép nổ ra khi Hòa Phát được cho là muốn gia tăng thị phần HRC để tăng giá bán, trong khi Hoa Sen muốn mua được nguồn nguyên liệu HRC giá rẻ hơn để tiết giảm chi phí. Bất kỳ kết luận nào sau điều tra chống bán phá giá cũng có thể tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh của hai ông lớn ngành thép ở hai thái cực khác nhau.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo liên quan đến tồn kho ngành thép sau quý II/2024.

>> Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) được kỳ vọng tăng 20% trong tháng 8

Đèo Cả (HHV) trúng thêm 3 gói thầu, cổ phiếu 'ngoi' lên từ mệnh giá

Tập đoàn Hòa Phát và Formosa gặp khó, sản lượng xuất khẩu HRC giảm 42%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cuoc-chien-gia-thep-hrc-giua-hoa-phat-va-hoa-sen-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc-245475.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cuộc chiến giá thép HRC giữa Hòa Phát và Hoa Sen: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
    POWERED BY ONECMS & INTECH