Đại biểu Quốc hội lo mức phạt vi phạm giao thông chưa đủ răn đe, đề xuất tăng lên tối đa 200 triệu đồng
Bà Nguyễn Thị Xuân đề xuất mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông lên tới 200 triệu đồng để tăng sức răn đe.
Nghị định 168 chưa đủ sức răn đe
Chiều 16/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đóng góp ý kiến cho dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, sau 14 năm thi hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bộc lộ một số bất cập cần được điều chỉnh kịp thời.

Theo bà Xuân, vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở mức xử phạt bằng tiền. Trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền tối đa theo quy định hiện hành là 75 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm pháp luật có chủ đích vẫn xảy ra thường xuyên, cho thấy mức xử phạt hiện tại chưa đủ sức răn đe.
Bà dẫn chứng tình trạng nhiều tài xế cố tình điều khiển phương tiện đi ngược chiều trên đường cao tốc, nơi có lưu lượng và tốc độ phương tiện rất lớn. Hành vi này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nếu xảy ra va chạm.
Theo bà Xuân: “Mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là với các hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc cố ý vi phạm. Báo chí, mạng xã hội thường xuyên đưa tin các trường hợp lái xe cố tình đi ngược chiều trên đường cao tốc - nơi có mật độ và tốc độ phương tiện rất cao. Nếu xảy ra va chạm trong những trường hợp này, hậu quả là cực kỳ nghiêm trọng”.
Từ thực tế đó, bà Xuân đề xuất cần điều chỉnh, nâng mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực liên quan đến an ninh, trật tự. Cụ thể, với lĩnh vực giao thông, đường sắt, đường thủy nội địa, bà kiến nghị tăng mức phạt tối đa từ 75 triệu đồng lên 150-200 triệu đồng. Bà nhấn mạnh rằng việc nâng mức phạt cần đi kèm với tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
“Không chỉ tăng mức phạt, mà cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân. Mức phạt nhẹ sẽ không đủ răn đe, người vi phạm sẵn sàng bỏ vài chục ngàn đồng để vi phạm”, bà Xuân nói.

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giao thông, bà Xuân còn đề xuất tăng mức xử phạt tối đa đối với vi phạm trong lĩnh vực dữ liệu lên khoảng 500 triệu đồng. Riêng với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến khoáng sản và bảo vệ môi trường, bà đề nghị nâng mức xử phạt lên đến 2 tỷ đồng.
“Như vậy mới tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực khai thác khoáng sản, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”, bà Xuân nói.
Cân nhắc xử phạt vi phạm hành chính không bị lập biên bản
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này đã sửa đổi, bổ sung tại điều 56 của luật hiện hành. Theo dự thảo, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản sẽ được áp dụng trong hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất là hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc có mức phạt tối đa trong khung tiền phạt là đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức. So với quy định hiện hành, đây là sự điều chỉnh tăng từ mức 250.000 đồng với cá nhân và 500.000 đồng với tổ chức.

Trường hợp thứ hai là hành vi vi phạm được chuyển đến từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này.
Góp ý về quy định này, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, việc lập biên bản là bước quan trọng trong quá trình xử phạt hành chính, giúp xác nhận hành vi vi phạm và ghi nhận các tình tiết liên quan.
“Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản chỉ nên áp dụng đối với những vi phạm giản đơn, lỗi vi phạm nhẹ”, bà Xuân nói.
Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý cần cân nhắc các yếu tố kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo ngăn ngừa các hành vi tiêu cực hoặc sai phạm trong quá trình xử phạt. Việc quy định mức phạt tối đa được áp dụng cho hình thức xử phạt không lập biên bản cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy, bà đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, đánh giá toàn diện để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
>> Điểm lại các lỗi vi phạm tài xế ô tô hay bị phạt nguội trên cao tốc
Người vi phạm giao thông đường bộ có thể chịu mức phạt hành chính tối đa lên đến 150 triệu đồng
Cục CSGT: Xuất hiện tình trạng ‘nhờn luật’ sau 3 tháng áp dụng Nghị định 168