Đề nghị Tập đoàn Nhật Bản hơn 100 năm tuổi giúp Việt Nam làm đường sắt đô thị
Chủ tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn đề nghị tập đoàn hỗ trợ tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển đường sắt đô thị.
Ngày 5/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có buổi gặp gỡ với đại diện Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản).
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự ấn tượng với các công trình tàu điện ngầm do Tập đoàn Tokyu phát triển, nổi bật là những tuyến đường sắt đô thị hiện đại tại Tokyo, Nhật Bản. Đồng thời, ông đề nghị tập đoàn hỗ trợ tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển đường sắt đô thị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Tập đoàn Tokyu Nomoto Hirofumi. Nguồn ảnh: VnExpress |
Phát biểu tại buổi gặp, ông Nomoto Hirofumi - Chủ tịch Tập đoàn Tokyu khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hơn 100 năm trong lĩnh vực phát triển đô thị.
Ông cũng bày tỏ kỳ vọng xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị xanh, thông minh và đáng sống, đồng thời mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng đô thị tại Bình Dương và nhiều địa phương khác ở Việt Nam.
>> Dự án Nhà máy sản xuất ô tô điện hơn 7.000 tỷ của VinFast tại Hà Tĩnh có chuyển động mới
Trước đó, Tokyu đã hợp tác với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) thành lập Công ty Becamex Tokyu với vốn điều lệ hơn 8.600 tỷ đồng. Công ty này tập trung vào đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó nổi bật là dự án khu đô thị mới rộng 110ha tại thành phố mới Bình Dương, bao gồm các phân khu hiện đại như Hikari, Midori Park, và Sora Gardens.
Tập đoàn Tokyu được thành lập vào năm 1922. Doanh nghiệp hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đường sắt đô thị, bất động sản, bán lẻ, giáo dục. Năm 2023, tập đoàn ghi nhận doanh thu 7 tỷ USD và lợi nhuận 600 triệu USD.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp ông Matsuzawa - Chủ tịch điều hành Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC).
Trong buổi gặp gỡ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của FEC trong việc tổ chức các đoàn khảo sát kinh tế, giáo dục, văn hóa và xúc tiến đầu tư sang Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn FEC và cá nhân ông Matsuzawa tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Việt - Nhật, đặc biệt trong việc mở rộng liên kết kinh tế và thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào những lĩnh vực mới như công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số, và phát triển xanh.
Ông Matsuzawa chia sẻ, vào tháng 3/2025, FEC dự kiến tổ chức đoàn khảo sát kinh tế tới Việt Nam với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin và năng lượng. Ông nhấn mạnh, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế quan trọng về chính trị, kinh tế và ngoại giao trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và đã nâng tầm lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng vào cuối năm 2023.
Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ hai, nhà đầu tư lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Tính đến cuối tháng 8/2024, Việt Nam có hơn 5.400 dự án đầu tư từ Nhật Bản còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký lên tới 79,3 tỷ USD.
>> Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn