Vĩ mô

Đề xuất tăng VAT lên 12%: 'Thuế của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp'

Khúc Văn 01/10/2024 10:48

Đề xuất tăng thuế VAT 10% lên 12% đang ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều. Đa số doanh nghiệp đều cho rằng không nên tăng thuế ở thời điểm hiện tại, còn các chuyên gia lại cho rằng mức thuế VAT của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp, lẽ ra phải tăng thuế từ lâu rồi.

Doanh nghiệp lo kinh doanh ế ẩm khi tăng thuế

Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên 11% vào 1/1/2028 và lên mức 12% vào 1/1/2030. Theo ước tính của cơ quan này, việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng từ mức 10% lên mức 12% sẽ giúp tăng thu ngân sách khoảng 43.400 tỷ đồng.

Đề xuất tăng VAT lên 12%: 'Thuế của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp'
Doanh nghiệp lo kinh doanh ế ẩm khi tăng thuế.

Bình luận về đề xuất tăng thuế VAT, ông Hoàng Quang Lâm, Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Hoàng Vượng cho rằng hiện tại tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đang rất chậm, doanh nghiệp đang rất khó bán hàng.

“Tôi hiểu là mức đóng thuế VAT 12% sẽ được áp dụng theo lộ trình, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là tình hình doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế nói riêng đang rất khó khăn và không biết khó khăn đến bao giờ. Vậy, nếu như đề xuất này được thông qua với đúng lộ trình như đã đề xuất ở trên, nhưng tới lúc đó, mức độ phục hồi của nền kinh tế không được cải thiện, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn càng thêm khó khăn bởi thuế VAT cao khách hàng sẽ giảm bớt tỉ lệ mua hàng”, ông Lâm than thở.

Ông Lâm cũng nói rằng hiện nay để khuyến khích và hỗ trợ khách hàng, công ty ông đã hỗ trợ thậm chí nhiều lần “chịu” tiền thuế VAT cho khách hàng.

“Chúng tôi làm vậy chỉ với mong muốn khách hàng sẽ tiếp tục mua hàng và sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Chỉ như vậy doanh nghiệp mới có thể cầm cự được qua thời điểm khó khăn này nên nếu tăng thuế, doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng”, ông Lâm cho hay.

Tương tự, cũng không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT lên 12%, đại diện một doanh nghiệp khẳng định việc tăng thuế VAT sẽ đẩy chi phí đầu vào của sản phẩm tăng.

“Khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán sản phẩm cũng sẽ tăng. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại cuối cùng. Cùng với đó, việc tăng thuế cũng sẽ không kích thích được tiêu dùng nội bởi khi kinh tế đã khó khăn người tiêu dùng vốn đã thắt lưng buộc bụng thì nay còn thắt chặt chi tiêu hơn. Việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cũng sẽ làm ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp này nói.

>>Giải ngân đầu tư công chậm: Khúc mắc cần tháo gỡ để thúc đẩy kinh tế Việt Nam ‘bứt phá’

Thuế suất của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước

Lý giải về đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nhấn mạnh mức thuế suất phổ thông 10% của Việt Nam hiện nay là thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, cần tạo ra dư địa để tăng thuế như nhiều nước đã làm để nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch.

“Xu thế chính sách tài khóa giai đoạn hiện nay là tăng thuế gián thu đánh vào tiêu dùng một cách hợp lý để có điều kiện giảm thuế trực thu đánh vào đầu tư, góp phần giải quyết bài toán về số thu ngân sách, đồng thời khuyến khích đầu tư cho tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh khó có thể ban hành sắc thuế mới như thuế tài sản trong giai đoạn trước mắt”, ông Mạnh nói.

Để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10%/năm, tỉnh Đồng Nai dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của tỉnh lũy kế đến năm 2030 theo giá hiện hành khoảng 1.003.700 tỷ đồng (tương đương khoảng 41 tỷ USD).
Thuế suất của Việt Nam còn thấp hơn so với các nước.

Do đó, việc sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng lần này, theo ông Mạnh là cơ hội để thực hiện nhiệm vụ đã đặt ra qua nhiều giai đoạn và là nội dung cơ bản để triển khai định hướng mở rộng cơ sở thu.

Về lộ trình tăng thuế như đã đề xuất ở trên, ông Mạnh khẳng định không ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định và tăng trưởng kinh tế trong thời gian 4-5 năm tới và bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp có thể tính toán, hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

“Cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định lộ trình tăng thuế mà sẽ tiếp tục nghiên cứu để Chính phủ trình Quốc hội trong giai đoạn tiếp theo của chiến lược cải cách thuế. Nội dung này được thể hiện theo 2 phương án tại dự thảo luật”, ông Mạnh khẳng định.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng hiện nay so với các nước trên thế giới, mức thuế VAT ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp.

“Mức thuế VAT đánh trên giá trị gia tăng ở Việt Nam từ 5 đến 10%, mức bình quân chỉ khoảng 9,7%. Trong khi đó, trên thế giới hầu hết quốc gia duy trì mức thuế VAT từ 15 đến 20% và mức trung bình khoảng 16%. Do đó, đã đến lúc chúng ta thực hiện tăng thuế VAT để ngân sách có thêm nguồn thu”, ông Thịnh nói.

Trước quan điểm cho rằng, thuế VAT sẽ tác động gián tiếp tới doanh nghiệp, làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Thịnh cho rằng thuế VAT là thuế gián thu, thu hộ cho nhà nước, thu vào người tiêu dùng chứ không thu cho người sản xuất nên nó không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Về lâu dài, ông Thịnh cho rằng thuế VAT cần tiếp tục được tăng lên chứ không chỉ dừng lại ở mức 12% như đề xuất nói trên. Tuy nhiên, việc tăng thuế lên mức cao hơn phải từ từ và phù hợp với mức độ mở rộng của sản xuất và mức tăng thu của người dân.

“Mức thuế 12% cũng vẫn là mức thuế VAT thấp so với các nước trên thế giới", ông Thịnh nhấn mạnh.

>> ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6% trong năm 2024, lộ diện 2 ngành sẽ là động lực chính

Một doanh nghiệp bức xúc vì chậm hoàn thuế VAT: 529 tỷ đồng chưa được giải quyết sau 6 năm

Đề xuất áp thuế VAT 5% với mặt hàng phân bón, lưu ký chứng khoán

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-xuat-tang-vat-len-12-thue-cua-viet-nam-van-con-o-muc-thap-251068.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đề xuất tăng VAT lên 12%: 'Thuế của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp'
POWERED BY ONECMS & INTECH