Đi làm nhận lương cao, về già lương hưu không đủ sống
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động hiện khá thấp so với thu nhập thực tế. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để "né" đóng BHXH.
Lương đóng BHXH thấp hơn lương thực nhận
Chị Nguyễn Thu H. ở TP HCM, làm nhân viên kinh doanh tại một công ty sản xuất đồ dân dụng đến nay đã được 15 năm. Mấy năm nay, mức thu nhập thực tế của chị luôn đảm bảo 14 -15 triệu đồng/tháng nhưng mức đóng BHXH của chị lại chưa đến 9 triệu đồng.
Mức đóng BHXH của chị H. dựa vào mức lương công ty chi trả còn phần thu thêm được công ty chuyển sang chi trả qua các khoản phụ cấp, thưởng bổ sung để “né” không phải đóng BHXH.
Việc chị H. dù đi làm nhận lương cao nhưng đóng BHXH dựa theo mức lương thấp sẽ dẫn tới việc sau này mức lương hưu sẽ thấp. "Lương hưu được chi trả theo nguyên tắc đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp nên chắc gì sau này lương hưu của tôi đã đủ sống", chị H. nói.
Một lãnh đạo Liên đoàn lao động TP HCM cho biết, tại thành phố, trừ doanh nghiệp nhà nước và một số các doanh nghiệp bên ngoài thực hiện đóng BHXH theo mức thu nhập thực tế thì đa số vẫn lách luật bằng việc chi trả các khoản phụ cấp để giảm mức lương đóng BHXH.

Thực tế này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động rút BHXH một lần tăng cao thời gian qua.
Theo BHXH TP HCM, pháp luật hiện hành đã có quy định về các khoản đóng hay không đóng BHXH và cơ quan BHXH cũng đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra nhưng tình trạng doanh nghiệp cố tình lách luật để giảm bớt mức đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp vẫn diễn ra phổ biến.
Điển hình là việc xây dựng và đăng ký thang bảng lương làm cơ sở giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp chưa được doanh nghiệp quan tâm thực hiện nghiêm túc. Mức tiền lương, tiền công làm cơ sở trích đóng BHXH chủ yếu theo lương tối thiểu quy định hằng năm của Chính phủ.
Thực tiễn cho thấy tại các đơn vị, doanh nghiệp có rất nhiều khoản phụ cấp, khoản bổ sung để trả cho người lao động ngoài lương. Tên gọi của các khoản này rất đa dạng.
Trong khi, Luật BHXH 2024 quy định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương, dẫn đến khó xác định khoản phải đóng hay không đóng BHXH.
Chỉ ra thực trạng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động hiện khá thấp so với thu nhập thực tế, BHXH Việt Nam cho biết, nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ quy định, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng, song cơ quan BHXH không đủ cơ sở pháp lý để buộc doanh nghiệp phải đóng các khoản này. Do đó, tại nhiều nơi, mức đóng BHXH của người lao động chỉ chiếm 50% - 60% thu nhập, ảnh hưởng đến việc hưởng các quyền lợi, nhất là chế độ hưu trí sau này.
Giám sát chặt chẽ qua dữ liệu
Đại diện Liên đoàn lao động TP HCM cho rằng, để đảm bảo mức đóng BHXH của người lao động đúng theo mức thu nhập thực tế thì cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra giám sát để người sử dụng lao động chấp hành nghiêm.
Đặc biệt, cần phải kiểm soát tốt thang, bảng lương của doanh nghiệp, tránh tình trạng đơn vị có nhiều thang bảng lương để né đóng BHXH của người lao động.
Theo một chuyên gia lao động, tiền lương, về lâu dài cần đảm bảo được sự liên thông giữa cơ sở dữ liệu thu nhập của người lao động với cơ sở dữ liệu của cơ quan BHXH để thuận tiện cho việc xác định mức thu nhập thực tế của người lao động khi tham gia đóng BHXH.
Dựa vào cơ sở dữ liệu từ người lao động nhận được lương hàng tháng từ doanh nghiệp và mức chi trả đóng BHXH của người lao động có thể xác định được mức thu đúng, thu đủ BHXH cho người lao động từ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng phải nhìn nhận đây là quyền lợi sát sườn của mình để đóng đúng, đóng đủ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
>> Chi tiết mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động từ 1/7/2024
TPHCM thay đổi lịch nhận lương hưu, trợ cấp BHXH từ tháng 3/2025: Người hưởng cần lưu ý
Lao động tự do có được đóng BHXH tự nguyện một lần 15 năm để nhận lương hưu?