Bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản 'khát' vốn, nặng nợ trái phiếu

Ngọc Mai 21/01/2025 - 15:12

Hơn 220.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2025. Nhiều chuyên gia lo lắng khi phần nhiều trái phiếu đáo hạn rơi vào nhóm bất động sản khi yếu tố hỗ trợ thị trường này phục hồi vẫn còn yếu ớt.

Vẫn còn khó khăn

Năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở thời kỳ đỉnh cao tổng giá trị phát hành hơn 700.000 tỷ đồng. Thế nhưng chỉ sang năm 2022, thị trường trái phiếu lao dốc không phanh do tác động bởi 2 vụ án lớn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 mở ra lối thoát cho các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đang chìm trong khó khăn, nhất là nhóm bất động sản.

Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, Nghị định 08 đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại khoản nợ trái phiếu, ổn định tình hình tài chính, qua đó phát triển kinh doanh, từng bước vượt qua thách thức. Không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn đang trong tình trạng rủi ro cao do dư nợ trái phiếu quá lớn, việc giãn kỳ hạn thanh toán chỉ là biện pháp “chữa cháy” tạm thời.

Doanh nghiệp bất động sản 'khát' vốn, nặng nợ trái phiếu ảnh 1
Doanh nghiệp bất động sản vẫn đối mặt khó khăn khi trái phiếu đến kỳ đáo hạn năm 2025.

Anh Nguyễn Dũng (Đống Đa, Hà Nội), nhà đầu tư 4 tỷ đồng trái phiếu của một công ty bất động sản lớn tại Hà Nội chia sẻ: "Tôi không đồng ý gia hạn, chủ đầu tư cũng không có gì để trả nên đành ký gia hạn lần thứ 2 cho doanh nghiệp. Gia đình cũng quá mệt mỏi vì trái phiếu nhưng giờ cũng không làm được gì hơn nên đành chờ doanh nghiệp hồi phục".

Trong 2 năm qua, doanh nghiệp đã dồn toàn lực xử lý nợ trái phiếu, cho tới năm 2024, tình trạng “khát tiền” cũng diễn ra khá gay gắt, phải giật gấu vá vai, đắp đổi qua ngày.

Năm nay, áp lực với các doanh nghiệp chưa xử lý xong nợ trái phiếu sẽ còn lớn hơn nữa khi lượng trái phiếu đã giãn hoãn theo Nghị định 08 hết hạn.

Theo Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), năm nay có khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản nhà ở sẽ đáo hạn. Trong đó, 31.000 tỷ đồng đã chậm trả gốc, lãi trước đó. Những DN phát hành trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025.

Trong tổng số hơn 220.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, VIS Rating ước tính 17% có rủi ro chậm trả nợ gốc (tương đương 38 nghìn tỷ đồng). 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm bất động sản nhà ở và du lịch, nghỉ dưỡng, tương đương gần 36.000 tỷ đồng.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, giá trị đáo hạn trái phiếu bất động sản trong năm nay là một nỗi lo lớn. Nguyên do là thị trường bất động sản vẫn tương đối trầm lắng trong năm 2024.

“Năm 2025, Chính phủ quyết tâm đặt mục tiêu tăng trưởng 8%, chắc chắn sẽ tìm cách vực dậy thị trường bất động sản, giúp thị trường tăng trưởng, thậm chí bứt phá. Nhưng đó vẫn chỉ là hi vọng, thị trường hồi phục đến đâu là một chuyện khác. Giá nhà đất quá cao, trong khi thu nhập bình quân của người dân Việt Nam chỉ 4.700 USD/năm, rất khó để thị trường có sự hồi phục nhanh chóng”, ông Hiếu cho hay.

Cần thêm thuốc trợ lực

Gánh nặng nợ trái phiếu và cơn khát vốn vẫn là khó khăn doanh nghiệp bất động sản sau thời gian dài thị trường lao dốc. Vì vậy, theo các chuyên gia cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp gỡ nút thắt về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ dự án, khơi thông dòng vốn vay.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - cho rằng, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tái cơ cấu lại các khoản nợ; nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền, tích cực hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản nhanh; có các cơ chế, chính sách để phát triển quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản… thay vì phụ thuộc các trái phiếu doanh nghiệp.

"Cần nhanh chóng cởi trói nút thắt pháp lý, khơi thông nguồn cung phân khúc đang có nhu cầu lớn là nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền. Từ đó thúc đẩy thanh khoản, giúp doanh nghiệp có nguồn thu để trả nợ, cân đối tài chính và để dòng tiền luân chuyển dựa trên nhu cầu thực của thị trường", ông Đính nói.

>> Dự báo cho vay mua nhà tăng mạnh trong năm nay

Xuất hiện doanh nghiệp bất động sản đầu tiên báo lãi tăng gần 70% trong quý IV/2024

Doanh nghiệp bất động sản liên quan đến nhóm Nguyễn Kim trở thành cổ đông lớn thứ 5 của Saigonbank

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-khat-von-nang-no-trai-phieu-post1711215.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp bất động sản 'khát' vốn, nặng nợ trái phiếu
    POWERED BY ONECMS & INTECH