Doanh nghiệp 'cầm cự còn chẳng xong', nhu cầu mở rộng đâu mà vay vốn ngân hàng?

27-05-2024 17:31|Khởi Phong

Tính đến 20/5, tín dụng tổng nền kinh tế mới tăng trưởng được 1,95%, còn cách khá xa con số mục tiêu 15% mà NHNN đặt ra cho năm nay.

Ưu tiên tái cơ cấu, tiết giảm chi phí trong mùa gió nghịch

Chỉ trong một tuần, người dân sinh sống xung quanh khu vực ngã tư Trung Kính – Vũ Phạm Hàm (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bất ngờ chứng kiến hai thương hiệu nổi tiếng cùng một lúc tháo dỡ biển hiệu, trả mặt bằng.

Bên này đường, cửa hàng bánh ngọt đã nằm dưới chân tòa chung cư cả chục năm đột ngột ra đi không lời từ biệt. Phía đối diện, siêu thị nhà ông lớn M cũng “tháo chạy” khỏi mặt bằng rộng hàng trăm mét vuông.

Tái cơ cấu nhằm tối ưu hóa mô hình kinh doanh, cắt giảm chi phí trong giai đoạn kinh tế khó khăn đang là xu hướng diễn ra ở tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt quy mô hay lĩnh vực, ngành nghề…

Mới đây, một phát biểu trên truyền hình gọi những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay là “cơn gió ngược”. Nhưng có lẽ, với những tấm biển đã bị gỡ xuống, đó phải gọi là “cơn gió độc”.

hhhhhhhh
Những thương hiệu nổi tiếng cũng phải đóng cửa bớt mặt bằng

Tín dụng, tấm gương phản chiếu sức khỏe của doanh nghiệp cũng đang đi những bước chậm chạp từ đầu năm đến nay.

Đến ngày 10/5/2024, theo số liệu của NHNN, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 1,95%, tương đương dư nợ tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng so với cuối năm ngoái. Trước đó, hai tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống đi lùi so với cuối năm 2023 và mới chỉ đảo chiều tăng từ tháng 3.

Kết thúc 3 tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng 1,34% so với đầu năm nhưng tốc độ tăng trưởng lại đang chậm lại đáng kể trong tháng 4 và đầu tháng 5. Theo đó, trong 42 ngày từ 29/3-10/5, tín dụng chỉ tăng thêm 0,61%, tương đương 82.700 tỷ đồng.

Doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng” để cầm cự còn chẳng xong, nhu cầu mở rộng đâu mà vay vốn ngân hàng?”, anh Sơn – một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ điện nước, gia dụng với hơn 10 năm kinh nghiệm tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi.

Chưa bao giờ số doanh nghiệp mới hoạt động lại thấp hơn số doanh nghiệp rời khỏi thị trường như hiện nay. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm nay, cả nước có 81.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86.400 doanh nghiệp.

Như vậy, bình quân cứ 20,3 doanh nghiệp mới thì tương ứng có 21,6 doanh nghiệp rời bỏ cuộc chơi, tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: “Đó là mất mát lớn của nội lực Việt Nam. Chúng ta mất doanh nghiệp, mất việc làm, mất thu nhập của người dân, mất thị trường, mất sản phẩm và mất cả niềm tin chứ không phải đùa”.

Có một thực tế là ngay cả các doanh nghiệp lớn có “của ăn của để” nhờ quá trình hoạt động hiệu quả trong nhiều năm thì vẫn lựa chọn tối ưu hóa chi phí trong giai đoạn này thay vì đầu tư mở rộng như trước.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do tích lũy tài chính yếu nên họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi nền kinh tế gặp nhiễu động. Theo quan sát, tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay là duy trì kinh doanh, giữ đơn hàng, giữ khách, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Không ít doanh nghiệp chật vật trong việc trả nợ các khoản vay cũ.

Nhiều doanh nghiệp làm ăn cùng với tôi, giai đoạn trước phát triển nóng, dùng đòn bảy tài chính lớn giờ còn đang lo đi khất nợ, chạy lãi từng bữa. Người còn có tóc như tôi, ngân hàng mời thì không có nhu cầu vay. Kẻ không có tóc, khó khăn ngập đầu thì ngân hàng đâu có chịu”, anh Sơn chia sẻ.

Đối với người dân, thu nhập của người lao động sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp, mất việc làm tăng khiến các gói cho vay tiêu dùng trở nên “ế ẩm” hoặc dễ phát sinh nợ xấu.

Tăng trưởng tín dụng còn cách rất xa mục tiêu

Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15%, qua đó ước tính sẽ bơm khoảng 2 triệu tỷ đồng để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng tín dụng chưa đầy 2% (264.000 tỷ đồng) cho tới hiện tại, mục tiêu vẫn còn đang ở rất xa.

Đi sâu vào con số tăng trưởng tín dụng của từng nhà băng, các tổ chức nghiên cứu chỉ ra, tín dụng quý I của nhiều nhà băng vừa qua tăng nhờ cho vay khách hàng doanh nghiệp.

Báo cáo sức khỏe ngành ngân hàng Quý I/2024 được thực hiện bởi WiResearch cho thấy động lực tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này đang nằm ở cho vay doanh nghiệp, trong khi tiêu dùng thấp, cho vay cá nhân giảm.

Theo số liệu từ 15 ngân hàng công bố thuyết minh BCTC chi tiết (chưa bao gồm các ngân hàng quốc doanh và ACB, STB) thì tỷ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ trong tổng cho vay khách hàng của nhóm nhà băng này đã giảm 1,9 điểm %, xuống 40,7%.

Trong khi đó, các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp có mức tăng trưởng tín dụng quý I tăng 4,08% so với cuối năm 2023 và tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cơn gió độc cản bước
Nguồn: WiResearch

Cũng cần nói thêm, sau khi Thông tư 06 “cởi trói” quy định về việc vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác có hiệu lực từ ngày 1/9 năm ngoái, ít nhiều sẽ tạo ra sự chuyển dịch dư nợ giữa các ngân hàng. Về mặt tổng thể, việc này không làm tăng tổng tín dụng của nền kinh tế.

>> 2 sắc thái tín dụng trong 3 tháng đầu năm: Bán buôn tích cực, bán lẻ ảm đạm

Cơ hội nào cho tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm?

Với diễn biến hiện tại, một số ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng 15% của NHNN khó thực hiện được trong năm nay.

Báo Đầu tư dẫn ý kiến của PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP. HCM) cho rằng khả năng cao tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không đạt 15%, chỉ đạt được 10%-11%, do kinh tế đang phục hồi chậm, sức mua thị trường yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Fiin Group cũng đánh giá mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của NHNN rất thách thức. Tuy nhiên, sự phục hồi được đánh giá sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nhờ chính sách tiền tệ toàn cầu được nới lỏng; lãi suất thấp hơn, tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn và nhu cầu tiêu dùng được cải thiện, góp phần vào triển vọng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023.

Số liệu quá khứ cho thấy, từ năm 2000 tới nay, tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam liên tục ở mức cao vài chục %/năm. Vùng trũng tăng trưởng tín dụng rơi vào giai đoạn 2011-2013 với bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với hiện tại.

hhhhhhhh
Nguồn: Tổng hợp

Những người theo dõi đều hiểu một quy luật bất thành văn trong nhiều năm nay, đó là tín dụng luôn giảm (hoặc gần như đi ngang) ở những tháng đầu năm và bật tăng mạnh trong vài tuần cuối năm.

Gần đây nhất, chỉ tính riêng trong tháng 12/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 4,56 điểm % (tương đương hơn 540.000 tỷ đồng), chiếm 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023.

Trong quá khứ, tăng trưởng tín dụng còn từng có những cú “chạy nước rút” ở phút thứ 89. Điển hình như năm 2012 – năm tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong vài thập kỷ trở lại đây.

Ngày 20/12/2012, NHNN báo cáo tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6,45% so với cuối năm 2011 và dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ đạt khoảng 7%. Nhưng chỉ chục ngày sau, đến 31/12/2012, tỷ lệ này đã bất ngờ cán đích ở mốc 8,9%.

Theo một cách thức tương tự, sẽ không có gì ngạc nhiên khi kịch bản tín dụng năm 2024 cũng sẽ tập trung tăng mạnh ở tháng cuối năm thay vì những tháng đầu năm.

Bỏ qua yếu tố “tăng trưởng kỹ thuật” thì một trong những điểm giúp lực cầu tín dụng những tháng tới có thể "sáng cửa" hơn đó là ngọn lửa nhập siêu đang nhen nhóm trở lại. Số liệu từ Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy nửa đầu tháng 5 nhập siêu vào khoảng 2,63 tỷ USD.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), dấu hiệu nhập siêu cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Các doanh nghiệp bắt đầu tăng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

>> Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm giải pháp “trợ lực” từ ngân hàng

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước: Tin đồn thay đổi cách điều hành tỷ giá tạo tâm lý bất ổn trên thị trường

Thủ tướng ra công văn chỉ đạo quyết liệt các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-cam-cu-con-chang-xong-nhu-cau-mo-rong-dau-ma-vay-von-ngan-hang-236267.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp 'cầm cự còn chẳng xong', nhu cầu mở rộng đâu mà vay vốn ngân hàng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH