Doanh nghiệp dệt may: Nhiều rào cản cho xuất khẩu nửa cuối năm 2022

27-06-2022 19:16|Yến Trang

Theo các chuyên gia, dù kết quả xuất khẩu dệt may nửa đầu năm 2022 đạt được kết quả tích cực nhưng dự báo nửa cuối năm sẽ đối mặt nhiều rào cản.

5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt gần 153 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước trong đó đáng chú ý dệt may tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, trước nhiều biến động từ giá nguyên vật liệu thế giới, mặt hàng xuất khẩu tỷ đô này đang đứng trước nhiều thách thức.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, đạt 1/2 kế hoạch của cả năm. Tuy nhiên, biến động từ thị trường tiêu thụ lớn khiến doanh nghiệp phải cân nhắc sẽ tiếp tục nhận đơn hàng sản xuất hay tạm dừng bởi nếu không tính toán kỹ lượng nguyên phụ liệu nguy cơ lỗ là khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, việc xuất hiện các quốc gia mới nổi trong gia công dệt may như Ấn Độ, Bangladesh cũng làm tăng tính cạnh tranh đối với mặt hàng này của Việt Nam.

Ngoài "xanh hoá" quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, các chuyên gia cũng cho rằng, để có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu hai con số, các doanh nghiệp dệt may cần tìm đối tác mới ngay chính trong thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng có giá trị xuất khẩu cao.

Từ đầu năm, ngành dệt may được dự báo sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các yếu tố phục hồi từ các thị trường xuất khẩu. Điều này phần nào được chứng minh ở con số tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm ngoái khi ngành hàng mang về khoảng 22 tỷ USD trị giá xuất khẩu trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn không mang lại nhiều tín hiệu lạc quan cho các tháng tiếp theo bởi doanh nghiệp dệt may đang lo ngại diễn biến thị trường khó lường và những thách thức hậu COVID-19 vẫn còn đó, đặc biệt là về nguồn lao động.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cho biết: "Số lượng lao động tại nhà máy Vĩnh Long đang biến động nhiều, trong khoảng 2.000 lao động vốn có thì hiện có khoảng 20% trong số đó dịch chuyển từ nhà máy này sang nhà máy khác".

Đánh giá về nguyên nhân của sự dịch chuyển, theo ông Tùng, sau thời gian dịch COVID-19 hoành hành, người lao động có tâm lý định hình lại cuộc sống và muốn tìm một môi trường làm việc thoải mái, ít tăng ca và lương cao hơn so với ngành dệt may, suy nghĩ này khiến người lao động không còn mặn mà với công việc trước đây dù rằng các doanh nghiệp dùng nhiều chính sách giữ chân người lao động.

Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, cũng cho biết lượng lao động tại nhà máy Bình Dương và Tây Ninh cũng biến động khoảng 15-20%, trong tổng số khoảng 2.500 lao động của công ty.

Đây là thực tế khó khăn của của nhiều nghiệp trong ngành dệt may khiến các đơn vị liên tục đăng tin tuyển dụng lao động với lương và phụ cấp cao cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác nhằm thu hút công nhân về làm việc.

Có thể kể đến như Công ty Cổ phần dệt may Gia Định đang tuyển dụng 300 lao động phổ thông, thợ may với mức lương 5,5 - 15 triệu đồng/tháng.

Ngoài lương, doanh nghiệp còn hỗ trợ các khoản phúc lợi khác như tiền xăng xe, thưởng chuyên cần, thuê phòng trọ, tiền gửi trẻ. Mức hỗ trợ tăng gần 200.000 đồng/tháng so với những lần thông báo tuyển dụng trước dịch.

Chuyển đổi xanh để đáp ứng yêu cầu EVFTA: Thách thức mới của doanh nghiệp dệt may Việt

Một doanh nghiệp dệt may 'khát' đơn hàng suốt 18 tháng, 'khánh kiệt' vì 1 quyết định của Amazon

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/doanh-nghiep-det-may-nhieu-rao-can-cho-xuat-khau-nua-cuoi-nam-2022-137911.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Doanh nghiệp dệt may: Nhiều rào cản cho xuất khẩu nửa cuối năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH