Dòng sông dài 256km chảy xuyên 4 tỉnh thành, "ôm trọn" TP. HCM tạo ra những bán đảo đẹp nức lòng du khách
Ngày nay đây là điểm đến hấp dẫn của những chiếc tàu du lịch quốc tế 5 sao, mang lại cho du khách nhiều dịch vụ du lịch trên sông đẳng cấp.
Trong ký ức người Sài Gòn, “trên bến, dưới thuyền” là thành ngữ tiêu biểu diễn tả cảnh giao thương tấp nập trên bến cảng Sài Gòn xưa. Trải qua thời gian dài với bao nhiêu vật đổi sao dời, là chứng nhân của nhiều khoảnh khắc lịch sử quan trọng và đang nỗ lực chuyển mình để bắt kịp làn sóng du lịch hiện đại, sông Sài Gòn quả thực chính là di sản sống động và là biểu tượng văn hóa đặc trưng của thành phố.
Chứng nhân lịch sử
Sông Sài Gòn với dòng chảy ôm lấy thành thị rộng lớn đã trở thành biểu tượng thầm lặng của riêng mảnh đất Sài Thành hiện đại, trù phú.
Theo thời gian, có lẽ sông Sài Gòn chính là dòng sông duy nhất của đất nước sở hữu những cột mốc lịch sử ấn tượng, điển hình là sự kiện năm 1698, khi thống suất Nguyễn Hữu Cảnh phụng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu tiến vào miền Nam để mở rộng bờ cõi. Sau khi xây dựng tổng hành dinh tại Đông phố - bến cảng sầm uất nhất khu vực miền Nam thời bấy giờ, ông tiến hành nghiên cứu vị trí địa lý và tiềm năng kinh tế của vùng đất mới, rồi sau đó thành lập nên chính phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời của Sài Gòn sau này.
Tổng chiều dài của sông Sài Gòn là 256km, trải dọc nhiều tỉnh thành khác nhau. Đoạn sông chảy qua TP. Hồ Chí Minh dài khoảng 80km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm.
Sông Sài Gòn uốn lượn qua khu Thanh Đa
Theo đó, cái tên bán đảo Thanh Đa đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với những du khách muốn tận hưởng bầu không gian bình yên ở Sài Gòn hoa lệ. đặt chân tới “ốc đảo” này, bạn tha hồ đắm mình vào cảnh sắc mang đậm màu miền quê. Đi tham quan chợ Thanh Đa cũng là một trải nghiệm không nên bỏ lỡ. Đây là một khu chợ bình dân, bán rất nhiều loại mặt hàng khác nhau từ 4h sáng đến 10h tối như hoa quả, rau củ, đồ gia dụng, đồ cá nhân, quần áo, chè, bánh tráng, cơm, cà phê,.....với giá cả vô cùng phải chăng.
Về phần bán đảo Thủ Thiêm, bán đảo này được ví như trái tim của Sài Gòn và là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Thành phố mở rộng khu trung tâm hiện hữu sang Thủ Thiêm và xem nó là hạt nhân cho sự phát triển trong thế kỷ 21. Bởi vậy mà khu vực này nhận được sự quan tâm đầu tư của thành phố với rất nhiều công trình hạ tầng được xây dựng. Tới đây để check-in cũng sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ.
Ngoài ra, sông Sài Gòn còn được biết đến là thương cảng giao dịch quốc tế của xứ Đông Dương hơn 100 năm trước. Sông Sài Gòn còn là nơi tọa lạc của nhà máy đóng tàu Ba Sơn- thương hiệu sửa chữa và đóng tàu nổi tiếng của Việt Nam nhiều năm trước. Trải qua những thăng trầm lịch sử và nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, sông Sài Gòn vẫn giữ riêng cho mình vẻ đẹp thơ mộng đan xen sự hùng vĩ của dòng sông lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh.
Những chiếc du thuyền trên sông mang lại cho du khách nhiều dịch vụ du lịch đẳng cấp.
Ngày nay, người ta còn biết sông Sài Gòn là địa điểm check -in yêu thích của du khách. Không chỉ sở hữu khung cảnh sông nước hữu tình được bao bọc bởi những tòa nhà chọc trời lấp lánh ánh đèn, sông Sài gòn ngày nay được đầu tư phát triển du lịch mạnh mẽ, có rất nhiều tour du ngoạn sông Sài Gòn, tour ăn tối trên sông được tổ chức và được hưởng ứng nhiệt tình bởi du khách.
Chèo SUP trên sông là trải nghiệm đáng nhớ
Ngoài ra, du khách khi khám phá sông Sài Gòn có thể thử sức trải nghiệm hoạt động chèo SUP trên sông. Sông Sài Gòn nổi tiếng với mặt sông gợn sóng, bao la phản chiếu cả đất Sài Thành rộng lớn. Sẽ thật tuyệt vời nếu bản thân được tự mình điều khiển con thuyền SUP, cảm nhận từng cơn sóng nước nhẹ tênh và ngắm nhìn khung cảnh hoàng hôn lãng mạn ngay giữa mặt sông.
Bao bọc Sài Gòn với độ dài lên đến 80km nên khu vực xung quanh sông Sài Gòn là vô số điểm tham quan vô cùng thú vị níu chân du khách trong và ngoài nước như:
Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh (quận 1) bên sông Sài Gòn
Là một công trình mang giá trị lịch sử, Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm đến tọa lạc ngay trung tâm thành phố mang tên Bác, hướng thẳng ra vị trí đẹp nhất của sông Sài Gòn.
Chính tại bến cảng này, ngày 5-6-1911, vị lãnh tụ kính mến Nguyễn Ái Quốc đã rời Việt Nam sang Pháp, bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước.
Ngoài việc ngắm nhìn công trình kiến trúc mang vẻ đẹp Á - Âu kết hợp hài hòa, bảo tàng còn là hành trình ngược dòng lịch sử để du khách tìm hiểu trọn vẹn về cuộc đời của một vị lãnh tụ đáng kính. Nơi này có 9 phòng trưng bày với nhiều bức ảnh và hiện vật gắn liền với các giai đoạn lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bến Bạch Đằng
Bến Bạch Đằng nằm trên khúc đường Tôn Đức Thắng ở quận 1, với vị trí nằm ngay trung tâm thành phố với tầm nhìn hướng về sông Sài Gòn, bến Bạch Đằng là địa điểm check - in được nhiều bạn trẻ và du khách ghé đến vào mỗi cuối tuần, nhất là những dịp lễ vì khung cảnh kiến trúc hiện đại, được phủ đầy cây xanh mát mẻ.
Cầu Ba Son (Thủ Đức)
Nối liền trung tâm quận 1 và thành phố Thủ Đức, cầu Ba Son là công trình mới khánh thành cuối tháng 4/2022. Ngoài tạo ra sự thuận lợi trong giao thông, cây cầu còn dần trở thành một biểu tượng tuyệt đẹp làm thay đổi diện mạo của thành phố.
Cầu Ba Son có lối dành riêng cho người đi bộ. Ai lên cầu cũng mong muốn có một bức ảnh thật đẹp làm kỷ niệm.
Chùa Chantarangsay
Chantarangsay là ngôi chùa Khmer đầu tiên ở Sài Gòn. Nằm ở bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ngôi chùa rực rỡ trong ánh vàng kim với nhiều ngọn tháp nhỏ được chạm khắc tinh xảo này được xây dựng từ năm 1946. Chùa có diện tích 4.500m2, từ khi hoạt động đã trải qua bảy lần trùng tu.Mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Khmer, quanh chùa, trên tường, cột,... đều có những bức tượng, phù điêu như: tượng Kayno, hình chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Phật Thích Ca...
Trong kho tàng di sản kiến trúc Khmer, chùa Khmer có một vị trí hết sức quan trọng, bởi ý nghĩa lịch sử, nghệ thuật và xã hội của nó trong đời sống người dân. Ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là một trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư Khmer ở TP.HCM.
Lộ ngày khởi công cầu đi bộ gần 1.000 tỷ đồng bắc qua sông Sài Gòn của Nutifood
Cầu đi bộ hình lá dừa nước qua sông Sài Gòn dự kiến khởi công dịp 30/4