Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt kịch bản không tưởng: Dòng vốn ồ ạt tháo chạy, đồng USD suy giảm, chuyện gì đang xảy ra?

Chung Khanh 21/04/2025 13:35

Giảm thâm hụt thương mại đồng nghĩa với việc dòng vốn nước ngoài vào Mỹ sẽ suy giảm – điều này có thể khiến giá cổ phiếu giảm và chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng.

Việc tìm hiểu xem Tổng thống Donald Trump thật sự muốn gì đã trở thành một hoạt động phát triển rầm rộ – nhưng thường xuyên sai ngay sau khi có kết luận.

Tuy vậy, có hai điều gần như chắc chắn trong chính sách thuế quan là ông muốn giảm thâm hụt thương mại và muốn đưa đầu tư trở lại để phục hồi ngành sản xuất trong nước. Những ai tin rằng ông có thể đạt được hai mục tiêu này cũng cần cân nhắc kỹ những hậu quả không thể tránh khỏi khi làm điều đó.

Cán cân thanh toán và vòng tuần hoàn tài chính

Bắt đầu từ cán cân thanh toán – đây là thước đo toàn diện về hoạt động thương mại và dòng vốn đầu tư ra vào nền kinh tế. Cán cân này bao gồm hai phần chính và luôn phải cân bằng: tài khoản vãng lai (phản ánh giao dịch hàng hóa, dịch vụ, thu nhập và chuyển giao một chiều), và tài khoản tài chính – vốn (gồm các dòng tiền vào ra thông qua đầu tư như mua cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay xây dựng nhà máy).

Trong nhiều năm, người Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu – tạo nên thâm hụt thương mại. Để cán cân thanh toán không bị lệch, Mỹ phải thu hút một lượng vốn tương đương từ nước ngoài – chủ yếu thông qua đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu Chính phủ.

Tổng thống Trump muốn phá vỡ trật tự đó. Khi thâm hụt thương mại giảm, đồng nghĩa với việc dòng vốn nước ngoài cũng sẽ co lại.

Ông Trump đặc biệt chú trọng vào thâm hụt hàng hóa. Có hai hướng để điều này thay đổi. Thứ nhất là hy sinh dịch vụ để ưu tiên sản xuất: Tổng thâm hụt thương mại có thể không thay đổi, nhưng Mỹ sẽ giảm xuất khẩu dịch vụ – vốn là lĩnh vực nước này có thặng dư và ông Trump dường như không mấy quan tâm – để nhường chỗ cho hàng hóa.

Điều này đồng nghĩa với việc “làm khó” các trung tâm tài chính như Phố Wall hay Thung lũng Silicon để chuyển nguồn lực và ưu tiên cho ngành công nghiệp, nhà máy sản xuất trong nước.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt kịch bản không tưởng: Dòng vốn ồ ạt tháo chạy, đồng USD suy giảm, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 1
Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ theo tháng, tính theo giá trị danh nghĩa

Thứ hai là giảm tổng thâm hụt thương mại: Nghĩa là dòng tiền từ nước ngoài sẽ ít đi. Trong khi đó, để tái đầu tư vào sản xuất – trong bối cảnh hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ vì thuế – Mỹ sẽ phải tự cung cấp nguồn vốn trong nước, thông qua tiết kiệm nhiều hơn để xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất...

Đổi lại, người dân phải tiêu dùng ít hơn. Muốn tiết kiệm nhiều hơn thì phải tiêu dùng ít đi. Mỹ đã quen với việc sống dựa vào tiết kiệm của thế giới, nhờ đó có thể tiêu xài vượt khả năng sản xuất trong nước. Đổi lại, phần còn lại của thế giới phải làm việc và sản xuất hàng hóa để đổi lấy tín nhiệm tài chính của Mỹ.

Ông Trump có vẻ xem người dân chủ yếu là người lao động, chứ không phải người tiêu dùng. Trong khi hệ thống kinh tế hiện nay ưu tiên đáp ứng nhu cầu mua sắm – kể cả khi việc làm bị chuyển ra nước ngoài – thì ông muốn đi theo hướng ngược lại: Tạo việc làm trong nước trước, rồi sau đó mới tính đến việc sản xuất ra sản phẩm gì để phục vụ thị trường.

Hệ quả "không tưởng"

Theo Wall Street Journal, sự đảo ngược này kéo theo nhiều hệ quả:

- Giá hàng hóa tăng, lựa chọn tiêu dùng giảm: Thuế quan chính là hình thức tăng thuế lớn nhất trong hàng chục năm – khiến giá hàng nhập khẩu tăng mạnh và hạn chế sự đa dạng sản phẩm.

- Lãi suất tăng: Khi dòng vốn nước ngoài giảm, Chính phủ Mỹ buộc phải dựa vào người dân để mua trái phiếu. Để làm được điều đó, lợi suất trái phiếu phải tăng – đồng nghĩa với việc lãi suất nói chung cũng sẽ cao hơn, khiến chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

- Giá cổ phiếu giảm: Phần lớn vốn đầu tư nước ngoài không đổ vào xây dựng nhà máy mà chảy vào thị trường tài chính. Nếu ông Trump thực sự giảm thâm hụt thương mại, thì dòng vốn này sẽ sụt giảm – đồng nghĩa với việc ít tiền hơn để mua cổ phiếu và trái phiếu Mỹ.

- Đồng USD suy yếu: Nếu người Mỹ không tiết kiệm đủ để tài trợ cho đầu tư trong nước, thì đồng USD sẽ phải giảm giá để thu hút thêm tiền từ nước ngoài. Tuy nhiên, niềm tin vào đồng USD đang bị lung lay.

Nhiều quốc gia nắm giữ dự trữ ngoại hối lo sợ có thể bị đóng băng tài sản giống như Nga. Thương mại toàn cầu thì giảm sút do chiến tranh thuế, còn giới đầu tư bắt đầu nghi ngờ rằng hệ thống pháp lý của Mỹ có còn đủ ổn định và đáng tin cậy để là “nơi trú ẩn an toàn” cho tài sản của họ hay không.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt kịch bản không tưởng: Dòng vốn ồ ạt tháo chạy, đồng USD suy giảm, chuyện gì đang xảy ra? - ảnh 2
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ tính theo tỷ lệ GDP

Việc Tổng thống Trump chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và đặt nghi vấn về tính độc lập của Ngân hàng Trung ương Mỹ cũng góp phần khiến đồng USD và trái phiếu Mỹ kém hấp dẫn hơn.

Mỹ đang tự quay lại với mô hình cũ kỹ?

Sau hàng thập kỷ chuyển dịch sang công nghệ cao và dịch vụ có giá trị gia tăng, giờ đây nước Mỹ muốn “hồi sinh” những ngành có năng suất thấp như may mặc, chế biến cơ bản…Thực tế là, nếu thuế quan đủ cao, các công việc như vậy có thể quay lại – nhưng đi kèm là sự thụt lùi về năng suất và mức sống.

Liệu Mỹ có thực sự muốn thay thế công nghệ cao bằng những công việc khâu vá từ Bangladesh hay Campuchia? Có vẻ là vậy, khi mức thuế “có đi có lại” với hai quốc gia này được ấn định ở mức 37% và 49%.

Về mặt lý thuyết, Mỹ có thể giảm thâm hụt thương mại bằng cách tăng xuất khẩu – nếu các nước như Đức hay Trung Quốc chịu chi tiêu và tiêu dùng nhiều hơn trong nước. Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra. Và ngay cả khi họ thực sự tăng tiêu dùng, cũng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ chọn mua hàng hóa từ Mỹ – đặc biệt là sau hàng loạt căng thẳng ngoại giao và đối đầu thương mại trong thời gian gần đây.

Tóm lại, nếu các chính sách thuế quan của ông Trump thật sự giúp đưa ngành sản xuất quay trở lại Mỹ, thì cái giá phải trả sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Họ sẽ đối mặt với chi phí cao hơn, ít lựa chọn hơn và thị trường tài chính nhiều biến động hơn. Đây là một sự đánh đổi không hề nhẹ nhàng.

Tham khảo WSJ

>> Ông Trump công bố 8 hành vi gian lận phi thuế quan gây hại cho Mỹ

10 tỷ USD bị rút khỏi Mỹ, dòng vốn bất ngờ đổ mạnh vào châu Á: Chuyện gì đang xảy ra?

Dòng vốn tháo chạy với tốc độ chưa từng thấy, đồng tiền ‘rơi tự do’: Loạt quốc gia đối mặt ‘khủng hoảng kép’ vì thuế quan

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-nhat-the-gioi-doi-mat-kich-ban-khong-tuong-dong-von-o-at-thao-chay-dong-usd-suy-giam-chuyen-gi-dang-xay-ra-140900.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn nhất thế giới đối mặt kịch bản không tưởng: Dòng vốn ồ ạt tháo chạy, đồng USD suy giảm, chuyện gì đang xảy ra?
    POWERED BY ONECMS & INTECH