Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cần hơn 10.000ha đất để triển khai
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha.
Ngày 23/10, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy đã trình Quốc hội Tờ trình về việc quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã thống nhất chủ trương thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước năm 2030. Dự án này có nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha. Hiện Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp lần này.
Cần hơn 10.000ha đất để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Ngoài dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhiều dự án hạ tầng quan trọng khác của quốc gia cũng đang được chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhằm bổ sung quỹ đất, đáp ứng nhu cầu của các dự án này, đảm bảo các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra.
Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến đường sắt có tổng chiều dài khoảng 1.541km, đi qua 20 tỉnh và thành phố, bao gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, và TP. HCM.
>> Hé lộ vị trí nhà ga của tuyến đường sắt gần 85.000 tỷ tại tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố. Ảnh minh họa |
Dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm với tốc độ thiết kế lên tới 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Toàn tuyến sẽ có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 10.827ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655ha (trong đó đất lúa nước từ hai vụ trở lên 3.102ha); đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605ha. Số dân cần tái định cư khoảng 120.836 người.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 1,713 triệu tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD) với suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km.
>> Vị trí 12 nhà ga của tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Hé lộ vị trí nhà ga của tuyến đường sắt gần 85.000 tỷ tại tỉnh sở hữu sân bay lớn nhất Việt Nam
Vị trí 12 nhà ga của tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai