Dự kiến lùi phát triển điện gió ngoài khơi sau năm 2030
Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại có nhiều yếu tố mới nên cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết một số kết quả tính toán Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Theo đó, tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291-236.363 MW, so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt tăng thêm khoảng 27.747-80.819 MW.
Cụ thể, nhiệt điện than 31.055 MW (chiếm 16,9-13,1%), nhiệt điện khí trong nước 10.861 MW (chiếm 5,9-4,6%), giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII.
Nhiệt điện LNG 8.824 MW (chiếm 4,8-3,7 %), giảm 13.576 MW so với Quy hoạch điện VIII do đánh giá các nguồn điện chậm tiến độ.
Thủy điện 33.294-34.667 MW (chiếm 18,2-14,7%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII 4.560-5.275 MW.
Tổng công suất điện gió trên bờ 27.791-28.058 MW (chiếm 13,2-14,4%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 3.949-5.321 MW.
>>‘Sinh sau đẻ muộn’ nhưng dự án điện hạt nhân của Việt Nam có một lợi thế vượt trội
![]() |
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp ngày 19/2. Ảnh: Bộ Công Thương |
Điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái) 46.459-73.416 MW (chiếm 25,3-31,1%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 25.867-52.825 MW.
Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và điện địa nhiệt 2.979-4.881 MW (chiếm 1,6-2,1%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 709-2.611 MW.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao.
Bộ trưởng nói: “Do đó, Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển nguồn điện này sau năm 2030, đạt khoảng 17.000 MW vào 2035".
Về điện hạt nhân, dự kiến Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 với tổng công suất đạt 6.000-6.400 MW sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 2030-2035.
Về vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 136-172 tỷ USD, trong đó, nguồn điện khoảng 118-148 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18-24 tỷ USD.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực vẫn rất lớn. Do đó, Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã đề xuất các giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện. Đặc biệt là đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn như vốn tín dụng ngân hàng, vốn viện trợ, thị trường chứng khoán… Bên cạnh đó, thu hút có hiệu quả các nguồn vốn trong và ngoài nước; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành điện”.
>>Doanh nghiệp Việt đầu tiên xây được nhà máy chip bán dẫn sẽ được hỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng