Đường sắt cao tốc Bắc - Nam bảo đảm đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng. Đối với các ga tại Hà Nội và TP. HCM phải bảo đảm thuận tiện cho hành khách.
Ngày 9/4, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của trưởng Ban chỉ đạo - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Theo đó, về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ Tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học. Đồng thời Bộ thực hiện đánh giá toàn diện các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật, an toàn, tổ chức vận tải khai thác, năng lực vận tải (hàng hóa và hành khách), tính khả thi của dự án để có thể lựa chọn được kịch bản tối ưu.
Việc triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn thiết kế, hạ tầng, tín hiệu, thiết bị, toa xe, đầu máy… Đối với các ga tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM cần bố trí ở trung tâm, kết hợp đi ngầm, trên cao nhằm bảo đảm thuận tiện nhất cho hành khách.
Về tốc độ thiết kế đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục làm rõ hơn dựa trên phân tích, nghiên cứu kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác hành khách kết hợp hàng hóa của các nước trên thế giới như Bộ Giao thông Vận tải báo cáo (làm rõ tiêu chuẩn, tổ chức khai thác vận tải, cách làm của từng nước); phân tích, chứng minh về hiệu quả kinh tế, tài chính đối với trường hợp chỉ vận tải hành khách, hoặc vận tải hành khách kết hợp vận tải hàng hóa.
Về chuyển giao công nghệ, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất lập đề án riêng để phân tích, chọn đối tác chuyển giao công nghệ; lựa chọn tổ chức tiếp nhận công nghệ để làm chủ công nghệ.
Về phương án đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cần tiến hành nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam phù hợp. Bộ có thể kiến nghị đầu tư đồng thời, một lần để giảm thời gian, chi phí…
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phản biện độc lập để lựa phương án tối ưu về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến về 3 kịch bản đường sắt Bắc - Nam có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Trong đó có 2 kịch bản tàu tốc độ 350km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.
Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.
Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.
>> Metro số 2 TP. HCM chưa sẵn sàng khởi công dù đã có 90% mặt bằng sạch