Fed hạ lãi suất mạnh tay nhưng chưa thể ‘cứu’ các ngân hàng khỏi cơn bĩ cực
Các ngân hàng có thể hưởng lợi khi chi phí vốn giảm nhanh hơn lợi suất từ tài sản sinh lời. Ngược lại, tài sản của một số ngân hàng có thể mất giá nhanh hơn so với tiền gửi, dẫn đến biên lợi nhuận bị ảnh hưởng trong những quý tới.
Lãi suất giảm thường là tin tốt cho các ngân hàng, đặc biệt khi việc hạ lãi suất không phải “điềm báo” của suy thoái kinh tế. Về cơ bản, khi lãi suất giảm, dòng tiền chảy khỏi tài khoản vãng lai sang các kênh đầu tư sinh lời cao hơn như chứng chỉ tiền gửi và quỹ thị trường tiền tệ sẽ chậm lại.
Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng trước, họ đã cho thấy một bước ngoặt trong việc quản lý nền kinh tế và phát tín hiệu về ý định giảm lãi suất thêm 2 điểm phần trăm nữa, theo dự báo của Fed, từ đó thúc đẩy triển vọng cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, chặng đường này không quá “êm ả”. Lo ngại về lạm phát dai dẳng có thể khiến Fed không hạ lãi suất mạnh tay như dự kiến. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập lãi ròng (NII) - chênh lệch giữa thu nhập từ hoạt động cho vay và đầu tư với chi phí trả lãi cho người gửi tiền - của các ngân hàng có thể sẽ không tăng mạnh như kỳ vọng.
Chris Marinac, Giám đốc nghiên cứu tại Janney Montgomery Scott, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Thị trường đang dao động do lạm phát có vẻ như đang tăng tốc trở lại, và câu hỏi đặt ra là liệu có trường hợp Fed tạm dừng chu kỳ nới lỏng hay không”.
Các nhà phân tích sẽ theo dõi sát báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 của JPMorgan Chase, dự kiến công bố ngày 11/10, để tìm kiếm bất kỳ dự báo nào về NII trong quý IV và tương lai xa hơn.
Theo CNBC, ngân hàng dự kiến báo cáo thu nhập trên mỗi cổ phiếu vào khoảng 4,01 USD - giảm 7,4% so với cùng giai đoạn năm ngoái.
Mặc dù tất cả các ngân hàng đều được dự đoán sẽ hưởng lợi từ chu kỳ nới lỏng lãi suất của Fed, nhưng thời điểm và quy mô của chu kỳ này vẫn chưa rõ ràng.
Trong điều kiện lý tưởng, các ngân hàng khác có thể hưởng lợi khi chi phí vốn giảm nhanh hơn lợi suất từ tài sản sinh lời. Ngược lại, tài sản của một số ngân hàng có thể mất giá nhanh hơn so với tiền gửi, dẫn đến biên lợi nhuận bị ảnh hưởng trong những quý tới, các chuyên gia phân tích cho biết.
Theo các nhà phân tích ngân hàng của Goldman Sachs, do Richard Ramsden đứng đầu, NII của các ngân hàng lớn dự kiến sẽ giảm trung bình 4% trong quý III, do tăng trưởng cho vay yếu và sự chậm trễ trong việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi. Trong một báo cáo ngày 1/10, họ cho biết chi phí tiền gửi của các ngân hàng lớn dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng trong quý IV.
Tháng trước, JPMorgan đã gây lo ngại cho các nhà đầu tư khi Chủ tịch cho biết kỳ vọng về NII trong năm tới là quá cao, nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Các nhà phân tích nhận định rằng đây có thể là một cảnh báo mà các ngân hàng khác cũng sẽ phải đưa ra.
Khi lãi suất giảm, các ngân hàng sẽ ít gặp áp lực phải điều chỉnh (tăng) lãi suất mà họ trả cho tiền gửi của khách hàng. Điều này có thể giúp ngân hàng giảm chi phí huy động vốn từ tiền gửi.
Tuy nhiên, JPMorgan vẫn phải đối mặt với những rủi ro hoặc biến động liên quan đến các khoản tài sản mà họ nắm giữ, Chủ tịch JPMorgan, Daniel Pinto, chia sẻ với các nhà đầu tư.
Theo CNBC, vẫn có một yếu tố bù đắp. Lãi suất thấp thường hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng lớn trên Phố Wall, vì khi lãi suất giảm, khối lượng giao dịch trên thị trường tài chính thường tăng lên. Điều này mang lại cơ hội sinh lời cao hơn từ các hoạt động giao dịch, môi giới và các dịch vụ tài chính khác.
Trong báo cáo nghiên cứu ngày 30/9, các nhà phân tích của Morgan Stanley khuyến nghị đầu tư vào Goldman Sachs, Bank of America và Citigroup do những ngân hàng này có khả năng hưởng lợi từ xu hướng tăng khối lượng giao dịch khi lãi suất giảm.
Các ngân hàng khu vực, vốn chịu áp lực lớn từ chi phí vốn tăng cao khi lãi suất tăng, được coi là bên hưởng lợi lớn hơn từ việc lãi suất giảm, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Đó là lý do các nhà phân tích của Morgan Stanley đã nâng cấp xếp hạng của họ đối với US Bank và Zion vào tháng trước, đồng thời hạ khuyến nghị đối với JPMorgan từ mức "tăng trưởng vượt trội" xuống "trung lập".
Theo CNBC
Chứng khoán Mỹ 'xanh mướt' sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 9
Dự đoán về quyết định lãi suất của Fed đẩy vàng thế giới giảm mạnh nhất trong hơn một tháng