Ngày 27/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng với tốc độ hàng năm là 1,1% trong quý đầu tiên.
Báo cáo cho biết tốc độ tăng trưởng chậm lại là do đầu tư cố định phi dân cư giảm tốc và đầu tư hàng tồn kho tư nhân giảm.
Cũng theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo sát, tăng 4,2%, cao hơn ước tính 3,7%. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng được đo bằng chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 3,7% và xuất khẩu tăng 4,8%. Tổng đầu tư tư nhân trong nước giảm 12,5%.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Fed đang tìm cách làm chậm lại nền kinh tế đang phải chịu gánh nặng bởi lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm.
Vẫn còn nhiều mối đe doạ đối với nền kinh tế Mỹ phía trước, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng ngân hàng và tình trạng hỗn loạn tài chính sau đó. Ngoài ra, Washington cũng phải đối mặt với cuộc thách thức trần nợ sắp xảy ra, có nguy cơ gây ra bất ổn hơn nữa cho thị trường tài chính.
Giới chuyên gia nhận định tăng trưởng có thể sẽ tăng chậm lại vào quý 2 và suy thoái kinh tế có thể xảy ra vào cuối năm nay. Jay Bryson, một nhà kinh tế thuộc Wells Fargo cho biết “Nếu chúng ta gặp phải một cú sốc kinh tế như trần nợ hoặc các vấn đề tương tự, thì khả năng chúng ta rơi vào suy thoái là rất cao.”
Sau báo cáo GDP quý 1 của Mỹ, trọng tâm sẽ chuyển sang cập nhật chỉ số PCE lõi Hoa Kỳ (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) vào ngày 28/4, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết động lực giá USD và xác định quỹ đạo của các đồng tiền chính trên thị trường.