Giá vàng vượt 3.000 USD/Ounce, nhưng chuyên gia cảnh báo có thể giảm 38% vì loạt lý do sau
Giá vàng liên tục lập đỉnh, nhưng chuyên gia cảnh báo kim loại quý này có thể lao dốc 38% trong những năm tới.
Vàng đang trở thành tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường đầy biến động, nhưng theo chuyên gia phân tích Jon Mills của Morningstar, kim loại quý này có thể đối mặt với xu hướng giảm mạnh trong dài hạn.
Trong khi nhiều tổ chức tài chính dự báo giá vàng tiếp tục tăng, Mills cho rằng vàng – vừa đạt mức kỷ lục hơn 3.000 USD/ounce – có thể giảm về 1.820 USD/ounce trong vòng 5 năm tới, tương đương mức giảm 38%.
Hiện tại, giá vàng đang giao dịch quanh mức 3.080 USD/ounce, được hỗ trợ bởi các yếu tố như bất ổn địa chính trị, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và lo ngại lạm phát. Tuy nhiên, Mills chỉ ra ba yếu tố chính có thể khiến giá vàng suy giảm trong dài hạn.
Nguồn cung tăng mạnh
Giá vàng cao đã thúc đẩy các nhà khai thác gia tăng sản lượng, khiến nguồn cung dồi dào hơn trong những năm tới. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), lợi nhuận trung bình của các công ty khai thác vàng đạt 950 USD/ounce trong quý II/2024 – mức cao nhất kể từ năm 2012. Bên cạnh đó, trữ lượng vàng trên mặt đất cũng tăng lên 216.265 tấn trong năm 2024, cao hơn 9% so với 5 năm trước.
Ngoài ra, hoạt động tái chế vàng được dự báo sẽ gia tăng, góp phần làm tăng nguồn cung. Mills nhận định: “Hiện tại, hầu như ai cũng muốn mở mỏ vàng vì nó đang quá sinh lời, đặc biệt là tại Australia – một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới”.
![]() |
Tỷ suất lợi nhuận trung bình của nhà sản xuất ở mức 950 USD/ounce vàng trong quý II/2024. (Ảnh: Bloomberg/Metals Focus/Hội đồng Vàng Thế giới) |
Cầu vàng có thể suy yếu
Năm 2024, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua ròng 1.045 tấn vàng – đánh dấu năm thứ ba liên tiếp khối lượng mua vượt 1.000 tấn. Đồng thời, dòng vốn vào các quỹ ETF vàng đạt 9,4 tỷ USD trong tháng 2, mức cao nhất trong gần ba năm.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của WGC cho thấy 71% ngân hàng trung ương dự kiến sẽ giữ nguyên hoặc giảm lượng vàng nắm giữ trong 12 tháng tới. Về phía nhà đầu tư, Mills cảnh báo rằng nhu cầu vàng thường bị tác động bởi các yếu tố ngắn hạn. Ông dẫn chứng đợt tăng giá đột biến của vàng vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng sau đó giá nhanh chóng điều chỉnh và phải đến cuối năm 2023 mới quay lại mức đỉnh.
![]() |
Các ngân hàng trung ương đã mua hơn 1.000 tấn vàng ròng trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024. (Ảnh: Metals Focus/Refinitiv GFMS/Hội đồng Vàng Thế giới) |
Dấu hiệu đỉnh giá đang xuất hiện
Mills cho rằng thị trường vàng đang phản ánh mô hình quen thuộc thường xuất hiện trước khi giá đạt đỉnh. Một trong những dấu hiệu đáng chú ý là sự bùng nổ của các thương vụ M&A trong ngành khai thác vàng. Theo S&P Global Market Intelligence, giá trị các thương vụ M&A trong lĩnh vực này đã tăng 32% so với năm ngoái.
Ngoài ra, số lượng quỹ đầu tư vàng mới cũng gia tăng đáng kể – một xu hướng từng xuất hiện trong các chu kỳ đỉnh giá trước đây. “Có rất nhiều yếu tố đang thúc đẩy giá vàng, nhưng nhà đầu tư không nên kỳ vọng mức giá hiện tại sẽ duy trì mãi mãi”, Mills nhận định.
![]() |
Theo S&P Global Market Intelligence, giá trị các thương vụ M&A trong lĩnh vực này đã tăng 32% so với năm ngoái. |
Mặc dù vậy, nhiều tổ chức tài chính lớn vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng. Ngân hàng Bank of America vừa nâng dự báo giá vàng lên 3.500 USD/ounce trong hai năm tới nếu dòng vốn đầu tư vào kim loại quý này tăng 10%. Trong khi đó, Goldman Sachs cũng nâng dự báo lên 3.300 USD/ounce vào cuối năm nay.
Liệu vàng có tiếp tục lập đỉnh mới hay bước vào chu kỳ điều chỉnh mạnh? Thị trường sẽ có câu trả lời trong thời gian tới.
Theo Business Insider
>> Giá vàng vọt lên đỉnh cao kỷ lục, một tuần tăng 4 triệu đồng/lượng