Hai ‘cổ phiếu vàng’ được dự đoán tăng trưởng 1.200%, thiên tài đầu cơ mạnh tay 'gom hàng'
Bill Ackman đang đặt cược lớn vào thương vụ liên quan đến Fannie Mae và Freddie Mac, hai gã khổng lồ cho vay thế chấp được Chính phủ Mỹ hậu thuẫn.
Hai tháng sau cuộc bầu cử Mỹ, vụ đặt cược đình đám nhất liên quan đến ông Trump lại không phải Bitcoin, Tesla hay các tài sản rủi ro khác mà là cổ phiếu của Fannie Mae - gã khổng lồ cho vay thế chấp được Chính phủ hậu thuẫn, vốn từng bị Phố Wall lãng quên.
Dưới tác động của Bill Ackman, nhà sáng lập Pershing Square Capital Management, cổ phiếu của Fannie Mae đã tăng 227% kể từ sau bầu cử.
Ackman coi đây là cơ hội hiếm có để mua vào Fannie Mae và Freddie Mac với giá rẻ trước khi Chính phủ Mỹ thoái vốn khỏi 2 doanh nghiệp này - khoản đầu tư từng được thực hiện như một phần của gói cứu trợ tài chính trị giá 190 tỷ USD.
Sau một bài đăng trên mạng xã hội vào cuối tháng trước nêu rõ lý do của ông cho thương vụ này, cổ phiếu đã nhảy vọt 45% trong vòng chưa đầy 1 giờ và vẫn tiếp tục tăng.
Đây không phải là lần đầu Ackman đặt cược vào thương vụ này. Hơn một thập kỷ trước, ông đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào Fannie và Freddie, kỳ vọng chúng sẽ tăng giá mạnh khi được tư nhân hóa.
Tuy nhiên, tiến trình này diễn ra chậm chạp do sự phức tạp của việc thoái vốn, rủi ro IPO quy mô lớn và tác động đến lãi suất thế chấp.
Dù vậy, thiên tài đầu cơ tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục kế hoạch thu hẹp vai trò của Chính phủ và thúc đẩy quá trình tư nhân hóa.
Ngoài ra, tuần trước, đội ngũ của Tổng thống Biden cũng đưa ra lộ trình chấm dứt sự giám sát của liên bang, làm dấy lên kỳ vọng rằng một quyết sách cuối cùng sắp được đưa ra.
Ackman dự báo Fannie và Freddie sẽ IPO vào cuối năm sau với giá khoảng 31 USD/cổ phiếu, cao hơn 1.200% so với mức giá mua vào trung bình của ông là 2,40 USD. Hiện tại, cổ phiếu Fannie đóng cửa ở mức 4,55 USD còn Freddie là 4,40 USD.
Tranh cãi xung quanh kế hoạch tư nhân hóa
Dù Ackman lạc quan, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra hoài nghi. Một đợt IPO vào năm 2026 bị cho là quá tham vọng, và không có gì đảm bảo chính quyền mới sẽ ưu tiên kế hoạch này.
Việc chấm dứt sự bảo hộ của Chính phủ có thể mang lại lợi ích lớn cho các quỹ đầu cơ nhưng lại khiến chi phí vay mua nhà tăng cao.
Donald Layton, cựu CEO Freddie Mac, nhận định: “Không rõ vì sao chính quyền mới lại coi đây là ưu tiên, khi lợi ích mang lại cho tầng lớp lao động không rõ ràng. Hơn nữa, quá trình này có thể chiếm dụng nguồn lực chính sách quan trọng và thậm chí gây tổn hại đến người vay mua nhà”.
Chuyên gia cho hay, Fannie Mae và Freddie Mac có lịch sử gắn liền với chính sách nhà ở của Mỹ. Được thành lập nhằm hỗ trợ người mua nhà, 2 công ty này không trực tiếp cho vay mà mua lại các khoản thế chấp từ ngân hàng, chuyển đổi thành chứng khoán và bảo lãnh cho nhà đầu tư.
Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã khiến Chính phủ phải can thiệp, đổi lại khoản sở hữu 80% cổ phần và hủy niêm yết 2 doanh nghiệp khỏi sàn chứng khoán vào năm 2010.
Sau khi thị trường bất động sản phục hồi, Fannie và Freddie bắt đầu có lãi nhưng Chính phủ đã áp dụng cơ chế “quét sạch lợi nhuận”, buộc họ phải chuyển toàn bộ thu nhập về ngân khố quốc gia.
Kịch bản tư nhân hóa: Cơ hội hay rủi ro?
Ackman tin rằng Chính phủ có thể thoái vốn bằng cách tính số tiền đã thu từ Fannie và Freddie như khoản thanh toán cho cổ phiếu ưu đãi, giúp xóa khoản nợ này.
Sau đó, 2 công ty sẽ cần huy động thêm khoảng 30 tỷ USD để đạt tỷ lệ vốn 2,5% so với tổng số bảo lãnh mà theo ông, đây là một mục tiêu khả thi. Nếu thành công, Chính phủ Mỹ có thể thu về 300 tỷ USD lợi nhuận.
Tuy nhiên, các rào cản vẫn còn đó. Trong nhiệm kỳ đầu của ôngTrump, kế hoạch này bị xem là “không thể thực hiện” về mặt chính trị và tiềm ẩn rủi ro pháp lý.
Một phương án khác là Chính phủ chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu thường và bán dần ra thị trường, nhưng điều này sẽ khiến cổ đông hiện tại bị “pha loãng” (làm giảm tỷ lệ sở hữu) nghiêm trọng.
Michael Kao, cựu CEO Akanthos Capital, nhận xét: “Giả định Chính phủ sẽ xóa bỏ khoản cổ phần này là quá lạc quan. Nếu điều đó không xảy ra, cổ phiếu hiện tại gần như chắc chắn bị pha loãng mạnh”.
Một vấn đề khác là tác động đến thị trường chứng khoán thế chấp trị giá 10.000 tỷ USD. Nếu không có sự bảo lãnh của Chính phủ, nhà đầu tư có thể mất niềm tin, dẫn đến chi phí vay mua nhà tăng cao - đi ngược lại khẩu hiệu “vì người lao động” của ông Trump.
“Việc tư nhân hóa sẽ gây xáo trộn lớn và khó có thể là ưu tiên của một Tổng thống tuyên bố bảo vệ người dân”, Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết.
Dù kế hoạch còn nhiều tranh cãi, một số chính trị gia đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng này. Cựu quan chức của chính quyền ông Trump đã thảo luận về kế hoạch cho Fannie và Freddie, trong khi nghị sĩ Cộng hòa Scott Fitzgerald soạn thảo luật nhằm tư nhân hóa hai công ty.
Vẫn còn quá sớm để xác định liệu ông Trump có thực sự theo đuổi kế hoạch này hay không. Đáng chú ý, trong một lá thư gửi Thượng nghị sĩ Rand Paul năm 2021, ông khẳng định rằng mình sẽ thúc đẩy tư nhân hóa và bán cổ phần Chính phủ với “mức lợi nhuận khổng lồ.”
Trong khi đó, Ackman tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng: “Ông Trump và đội ngũ sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Ông ấy thích những thương vụ lớn, và đây có thể là thương vụ lớn nhất trong lịch sử”. Nhưng với những rủi ro hiện hữu, không ít nhà đầu tư vẫn giữ thái độ dè chừng.
Reuters: 2 tuần trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, nhiều quỹ 'nhận lệnh' hạn chế bán cổ phiếu
'Cổ phiếu vàng' được Warren Buffett tích cực gom mua, kỳ vọng tăng trưởng vượt trội trong năm 2025