Bất động sản

Hai tuyến cao tốc nghìn tỷ do liên danh Đèo Cả đầu tư tại Đông Bắc Bộ sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng trong quý I năm nay

Việt Hoàng 21/02/2025 18:01

Hiện nay, cả hai địa phương đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng hai tuyến cao tốc này và dự kiến hoàn thành trong quý I/2025.

Theo Báo Đầu tư, chính quyền hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đang quyết tâm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng cho hai dự áncao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) và Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Lạng Sơn - Cao Bằng).

Tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ngay sau lễ khởi công vào ngày 1/1/2024, UBND hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã liên tục phát động các đợt thi đua cao điểm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân.

Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án cũng chủ động phối hợp, ứng kinh phí nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo dự án ngày 5/2/2025, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là những khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Bối cảnh 3D Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ
Bối cảnh 3D Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Nguồn ảnh: Báo Chính phủ

Ông nhấn mạnh quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính quyền địa phương, đặt mục tiêu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý I/2025.

Theo đại diện doanh nghiệp dự án, việc bàn giao mặt bằng chưa đồng bộ do các vướng mắc liên quan đến đất ở và hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình lập thiết kế kỹ thuật, một số đoạn tuyến được điều chỉnh theo địa hình thực tế và nguyện vọng của người dân, dẫn đến phạm vi giải phóng mặt bằng phải cập nhật lại. Hiện tổng diện tích mặt bằng đã bàn giao đạt 576,37/634,04ha, tương đương 90,90%.

>> Công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ sắp khởi công nhà máy cà phê hơn 2.000 tỷ, là cơ sở đầu tiên tập trung chế biến sâu

Tại Cao Bằng, ba khu tái định cư vẫn đang trong quá trình triển khai, ảnh hưởng đến việc bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh ranh giới giải phóng mặt bằng so với hồ sơ nghiên cứu khả thi khiến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng kéo dài hơn dự kiến. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cũng chưa đảm bảo tiến độ, gây ảnh hưởng đến quá trình thi công.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch khẳng định, dù thời gian không còn nhiều, nhưng các huyện trên địa bàn sẽ nỗ lực hoàn tất giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích phát sinh thêm trong quý I/2025.

Bối cảnh 3D Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Nguồn ảnh: VnExpress
Bối cảnh 3D Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Nguồn ảnh: VnExpress

Tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao 47,13km trên tổng số 59,76km tuyến cao tốc, đạt 76,35% diện tích mặt bằng (425,82/557,82ha). Tuy nhiên, nhiều khu vực vẫn trong tình trạng "xôi đỗ", xen kẹp với phần đất đã chi trả từ năm 2018. Diện tích thực tế có thể tiếp cận thi công mới đạt 68,47% (381,87 ha).

Dù phương án di dời hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt và đơn vị thi công đã được lựa chọn, tiến độ triển khai vẫn chưa đạt yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Trọng Quỳnh cho biết, công tác giải phóng mặt bằng theo quy trình thông thường có thể kéo dài từ 5-6 tháng, nhưng với quyết tâm cao, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ công tác này trong quý I/2025.

>> ‘Ông lớn’ Singapore đề xuất đầu tư 5 dự án tại tỉnh đặt 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Để đảm bảo chỗ ở cho 406 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đang đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và lựa chọn nhà thầu xây dựng các khu tái định cư, đồng thời xem xét phương án tái định cư tại chỗ cho những hộ đủ điều kiện.

Một trong những nút thắt lớn nhất của dự án là công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh, công ty điện lực, doanh nghiệp viễn thông và nhà thầu thi công để đảm bảo tiến độ.

Theo kế hoạch, trong quý I/2025, toàn bộ hệ thống đường điện, viễn thông, thông tin tín hiệu sẽ được di dời hoàn tất.

Dự án tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn cho dự án là hơn 25 năm.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Dự án do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - CTCP Xây dựng Công trình 568 làm chủ đầu tư.

Khu vực Đông Bắc Bộ có tất cả là 9 tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

>> Việt Nam sắp có tuyến đường sắt gần 10 tỷ USD, kết nối 6 tỉnh, thành miền Nam, dự kiến khởi công trước năm 2030

Phó Thủ tướng chỉ đạo 'nóng' về cao tốc hơn 19.000 tỷ kết nối hai tỉnh Đông Nam Bộ

Cao tốc hơn 10.000 tỷ kết nối Hà Nội tới tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ được mở rộng

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/hai-tuyen-cao-toc-nghin-ty-do-lien-danh-deo-ca-dau-tu-tai-dong-bac-bo-se-hoan-tat-giai-phong-mat-bang-trong-quy-i-nam-nay-202250221152808291.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hai tuyến cao tốc nghìn tỷ do liên danh Đèo Cả đầu tư tại Đông Bắc Bộ sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng trong quý I năm nay
    POWERED BY ONECMS & INTECH