Hàng chục ngàn xe bị tồn kho tại châu Âu vì kém chất lượng khiến người tiêu dùng Việt lo ngại.
Theo tờ Wall Street Journal, những lô ô tô xuất khẩu của hãng xe Trung Quốc BYD đang gặp nhiều vấn đề về chất lượng khiến chúng không thể thông quan tại các thị trường ở châu Âu. Những chiếc xe BYD cập bến Nhật Bản bị trầy xước, trong khi xe xuất sang thị trường châu Âu bị nấm mốc.
Cụ thể, tại thị trường Nhật Bản, các mẫu xe của BYD bị móp méo, trầy xước, nhiều bộ phận phải thay thế mới đáp ứng được tiêu chuẩn địa phương.
Xe BYD khi cập cảng tại các thị trường quốc tế bị buộc phải sửa chữa nhiều lần vì gặp nhiều vấn đề trong quá trình vận chuyển. Ảnh: Internet |
Còn tại Thái Lan, chất lượng xe điện BYD cũng đối mặt với nhiều khiếu nại do bong tróc sơn và nhựa. Trong khi tại Israel, nơi doanh số bán xe điện rất cao, xe BYD bị tố cong vênh do sức nặng của giá nóc.
BYD hiện cũng đang phải đối mặt với các sự cố ảnh hưởng đến cả xe chở khách và xe thương mại. Vào tháng 1/2024, một chiếc xe buýt BYD ở London bốc cháy, khiến chính quyền phải thu hồi gần 2.000 xe buýt. Các nhà chức trách cho rằng hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí của xe có vấn đề, có thể dẫn đến hỏa hoạn.
Chính một Giám đốc điều hành của BYD đã mô tả việc khách hàng nước ngoài đón nhận xe BYD giống như "đến một nhà hàng đẳng cấp nhưng phát hiện đĩa thức ăn bị sứt mẻ".
Vấn đề nấm mốc không phải là hiện tượng quá nghiêm trọng bởi khi xe nằm một chỗ trong thời gian dài ở điều kiện thời tiết ẩm ướt thì đó là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra với xe BYD là khá nghiêm trọng bởi hãng xe Trung Quốc không có biện pháp xử lý nhanh chóng và thích hợp để loại bỏ nấm mốc trước khi các lô xe này cập cảng.
Số lượng lớn xe BYD nằm ở cảng không chỉ khiến xe nhanh chóng mất đi sức hấp dẫn với người tiêu dùng, mà còn liên quan đến thời hạn cấp phép. Nếu không thể sớm thông quan, những chiếc BYD này sẽ không thể bày bán được nữa. Chỉ riêng tại châu Âu đã có khoảng 10.000 xe BYD còn nằm trong các kho hàng, dù dự định bán ra từ cuối năm ngoái.
Chỉ riêng tại châu Âu đã có khoảng 10.000 xe BYD còn nằm trong các kho hàng, dù dự định bán ra từ cuối năm ngoái.Ảnh: Internet |
Được biết, giấy chứng nhận cho phép bán ở Liên minh châu Âu đều có thời hạn. Hết hạn, có nghĩa là những xe tồn kho không còn được phép bán ra nữa. Một số ý kiến cho rằng, rất có thể những xe này sẽ được chuyển khỏi châu Âu, đến các thị trường khác như Đông Nam Á chẳng hạn.
Kiểm soát chất lượng trong quá trình vận chuyển có thể là thách thức lớn với “gã khổng lồ xe điện” BYD. Nhưng còn quá sớm để đánh giá đây là sơ suất hay BYD thực sự đang để xảy ra lỗ hổng nghiêm trọng trong nỗ lực trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, hãng xe Trung Quốc BYD dự định bán xe điện từ tháng 5 tới, bắt đầu bằng việc mở đại lý chính hãng tại Hà Nội và tung ra thị trường hai mẫu xe ở phân khúc sedan và SUV. BYD hiện đang phân phối 10 mẫu xe, từ xe gầm thấp sedan đến gầm cao SUV. Ở khu vực Đông Nam Á, BYD đã bán xe tại các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines.
Đại diện hãng không tiết lộ mục tiêu doanh số nhưng theo nguồn tin riêng, BYD Việt Nam muốn bàn giao khoảng 5.000 xe cho đến hết năm nay, tương đương gần 900 xe/tháng.
Như vậy, sau VinFast, BYD sẽ là hãng xe thứ 2 cung cấp ra thị trường một dải sản phẩm gồm nhiều mẫu xe sử dụng năng lượng mới khác nhau cho thị trường Việt Nam. Hãng chưa tiết lộ giá bán các mẫu xe nhưng có thể dự đoán, giá ban đầu khó có thể quá rẻ do xe sẽ được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc, không được hưởng thuế suất ưu đãi như xe nhập từ ASEAN.
Do đó, thông tin hàng chục ngàn xe Trung Quốc BYD tồn kho tại châu Âu cũng phần nào khiến người tiêu dùng Việt Nam lo ngại cho lô xe sắp đưa về nước bởi chưa rõ nguồn gốc của những lô xe này nhập khẩu từ đâu. Ngoài ra, tình trạng xuống cấp nhanh của những chiếc BYD này khi chưa tới tay người dùng cũng làm khách Việt lo ngại về chất lượng cũng như độ bền của xe BYD.