Năm 2023, “ánh sáng cuối đường hầm” dường như đã mở ra khi một số doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh của năm nay có phần tích cực hơn.
Năm 2022 là một năm không mấy tích cực với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới khi lãi suất tăng cao, lạm phát, thất nghiệp gia tăng.
Sang năm 2023, “ánh sáng cuối đường hầm” dường như đã mở ra khi một số doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh tích cực hơn. Không chỉ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, hành trang năm 2023 của nhiều doanh nghiệp còn mang đậm những dấu ấn bứt phá cho thấy một tương lai tươi sáng hơn có thể đang mở ra cho các doanh nghiệp Việt.
Năm 2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần năm 2022 đạt 6%. "Cơn bĩ cực" phủ Hòa Phát khi thua lỗ trong cả 2 quý cuối cùng năm 2022.
Giải trình về kết quả kinh doanh gây sốc cho cả Hòa Phát lẫn cộng đồng doanh nghiệp, Hòa Phát cho biết kết quả kinh doanh suy giảm do giá nhiên liệu tăng cao, giá bán thép giảm mạnh, cầu tiêu thụ thép giảm, chi phí tài chính gồm tỷ giá và lãi suất tăng cao so với năm trước.
Tuy nhiên, điểm sáng là Hòa Phát vẫn tiếp tục duy trì thị phần đứng đầu trên thị trường, nâng con số thị phần từ 32,6% cuối năm 2021 lên 34,8% cuối năm 2022. Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 31.500 tỷ đồng chiếm 22% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.
Tại ĐHĐCĐ năm 2023, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cho biết thời gian tới, tập đoàn sẽ điều tiết sản xuất theo tình hình thị trường, tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản.
Ông Long khẳng định từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, thép cho sản xuất ốc vít, dự ứng lực ... tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao như vậy.
Nhận định về diễn biến giá thép cũng như triển vọng ngành thép thời gian tới, Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng, giai đoạn khó khăn của ngành thép đã qua, nội lực của ngành thép vẫn tốt. Hiện tại, việc phục hồi ngành thép hoàn toàn phụ thuộc vào lực cầu, tuy nhiên lực cầu thép hiện vẫn đang thấp.
CTCP Thế giới số (Digiworld – Mã: DGW) ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng với doanh thu đạt 22.028 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 684 tỷ đồng.
Đối với các ngành hàng kinh doanh chính của Digiworld, ngành hàng điện thoại di động - ngành đóng góp doanh thu lớn nhất cho Digiworld ghi nhận doanh thu là 1.777 tỷ đồng trong quý 4/2022. Lũy kế năm 2022, mảng này có doanh thu 10.729 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.
Kể từ quý I/2023, Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, các nhà máy Apple đã trở lại hoạt động, những lô hàng mới cũng đã được chuyển đến nhiều nước trong đó có Việt Nam. Do đó Digiworld dự kiến quý 1/2023 doanh số Apple sẽ được cải thiện hơn.
Năm 2022, Digiworld đã lần đầu tiên đạt được cột mốc lấn sân sang ngành hàng thiết bị gia dụng với hợp đồng hợp tác chiến lược với Whirlpool – thương hiệu điện gia dụng hàng đầu thế giới và sẽ độc quyền chiến lược, cung cấp Dịch vụ Phát triển thị trường (Market Expansion Services – MES) cho thương hiệu tại Việt Nam, tham vọng đạt được 10% tổng quy mô thị trường trong giai đoạn 3-5 năm.
Với mảng thiết bị gia dụng (Joyoung và Whirlpool), Digiworld vẫn đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống kho bãi và hệ thống phân phối, quy trình nghiên cứu và làm thị trường để chính thức sẵn sàng cho việc kinh doanh mạnh mẽ ở thời gian sau. Tính cả năm 2022, ngành thiết bị văn phòng và thiết bị gia dụng thu về 3.876 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với năm 2021 và đạt 103% kế hoạch năm.
Năm 2023, Digiworld trình Đại hội đồng cổ đông sắp tới kế hoạch kinh doanh có phần thận trọng với mục tiêu doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Tại các mảng kinh doanh chính của công ty, mặc dù mảng máy tính xách tay và điện thoại di động dự báo sẽ sụt giảm, tuy nhiên các mảng kinh doanh khác vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng với mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng 15%, mảng thiết bị gia dụng tăng 65% và mảng hàng tiêu dùng tăng 157%.
Với giải pháp MES đến từ chiến lược và tư duy khác biệt của công ty, vừa qua Digiworld đã tiếp tục có sự hợp tác tiếp theo với ông lớn ngành FMCG là AB-InBev, lần đầu tiên lấn sân vào ngành này. Cú bắt tay này cho thấy sự ảnh hưởng của công ty trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Giải pháp MES của Digiworld sẽ đưa AB-InBev – thương hiệu vốn chỉ có thị phần khiêm tốn tại Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường.
Ngoài ra, bên cạnh việc bắt đầu phân phối các sản phẩm bia từ AB-inBev, Digiworld đã hoàn thành việc ký kết với nhãn hàng thiết bị gia dụng Westinghouse đến từ Mỹ và nhãn hàng Lotte Chilsung, một trong những nhà sản xuất đồ uống lớn nhất tại Hàn Quốc. Hai nhãn hàng mới này sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu cho Digiworld từ quý 2/2023.
Digiworld cho biết việc bắt đầu phân phối các sản phẩm đồ uống như bia, nước giải khát, cũng như bắt đầu đẩy mạnh phân phối các loại dược phẩm mới, mảng hàng tiêu dùng của công ty được dự báo sẽ đạt tăng trưởng 157% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – Mã: HDB) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong năm 2022 nhờ chiến lược tiên phong và bền vững. Chiến lược xanh ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương, các chuỗi cung ứng và phân phối đã đưa ngân hàng gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng.
HDBank cũng đạt tổng tài sản bứt phá lên 416.273 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 25.303 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ chiến lược xanh, chất lượng tài sản của HDBank rất tốt, tỷ trọng tổng tài sản sinh lời chiếm khoảng 90% quy mô tổng tài sản. HDBank luôn kiểm soát nợ xấu thấp so với toàn ngành, ở mức 1,67%.
Cùng với xu hướng chuyển đổi số của ngành ngân hàng, HDBank đã và đang triển khai nhiều giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ khách có tương tác qua kênh số của HDBank tăng 95% so với năm 2021, số lượng tài khoản hoạt động tăng 77%, số lượng giao dịch qua kênh số vượt 19 triệu giao dịch, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, một trong những bước đi mạnh mẽ của ngân hàng là hợp tác chiến lược giữa HDBank và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc. Những chiếc thẻ đồng thương hiệu HDBank Petrolimex 4 trong 1 đã lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam sau cú chốt deal này. Thẻ tích hợp các tính năng của thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước và tài khoản khách hàng thân thiết của Petrolimex (Petrolimex ID) trên cùng một thẻ vật lý.
Nhờ chiến lược đó, số lượng thẻ phát hành của ngân hàng tăng hơn 20 lần so với năm 2021. Số lượng thẻ kích hoạt tăng mới năm 2022 đạt 222.385 thẻ, tăng trưởng gấp 4 lần. Doanh số giao dịch thẻ tín dụng năm 2022 gấp 4 lần. Bên cạnh đó, doanh số thanh toán qua POS tăng 90% và doanh số thanh toán qua QR Code tăng 10 lần so với năm 2021.
HDBank cũng đã phát triển hoạt động tài trợ chuỗi và đạt được những kết quả tích cực. Hiện hoạt động chuỗi của HDBank tập trung vào 7 mảng trọng điểm gồm: hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), năng lượng, thép, nông nghiệp & chăn nuôi, bán lẻ, nhà cung ứng/công nghiệp phụ trợ, và các đối tác chiến lược (Viejet, HD SAISON). Tổng quy mô hoạt động chuỗi đến cuối năm 2022 luôn duy trì mức tăng trưởng hàng năm hơn 35%, số lượng khách hàng tham gia chuỗi tăng trưởng hàng năm hơn 30%.
Sang năm 2023, lấy tiền đề từ thành công năm cũ, HDBank đã mạnh dạn đưa thông điệp "Phát triển bền vững - Tiên phong dẫn đầu" để định hướng hoạt động. Trong tương lai, ngân hàng hướng tới mục tiêu phát triển danh mục tài trợ chuỗi cung ứng lên tới 1 tỷ USD vào năm 2025, phát triển danh mục tài trợ chuỗi (SCF) trong lĩnh vực nông nghiệp, tài trợ cho nhà cung cấp và nhà phân phối.
Ngoài ra, HDBank cũng duy trì chiến lược phát triển bền vững với việc triển khai triển khai chiến lược ngân hàng bán lẻ, SME, tiêu dùng; tiên phong trong việc lựa chọn thị trường mục tiêu là nông nghiệp nông thôn và triển khai các giải pháp phù hợp. Một trong số đó là chuyển đổi số và phát triển mạng lưới hoạt động trên nền tảng số; thực hiện các kế hoạch M&A để hiện thực hóa chiến lược kinh doanh đề ra.