Hàng hóa - Tiêu dùng

Hạt vị đắng của Việt Nam có giá đắt nhất thế giới, bà con Tây Nguyên gọi là ‘cây ATM’

Châu Sa 08/02/2025 - 19:39

Các nhà rang xay trên toàn cầu ồ ạt tìm mua cà phê, thị trường thế giới mong đợi vào nguồn hàng từ Việt Nam.

Giá tăng vọt kỷ lục, người dân phấn khởi mùa màng bội thu

Đầu năm là thời điểm cao điểm thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Năm nay, giá cao vượt trội hơn mọi năm, dao động trong khoảng 118.000 - 120.000 đồng/kg. Người dân thu lợi nhuận lên đến 80.000 đồng/kg.

Trong năm 2024, giá cà phê tại Việt Nam đã tăng vọt từ khoảng 70.000 đồng/kg lên khoảng 120.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm còn chạm mức 130.000 đồng/kg, cao hơn 30.000 đồng/kg so với năm 2020.

Nhiều bà con tại Tây Nguyên vui mừng gọi cà phê là “cây ATM” giúp họ thu về lợi nhuận lớn trong năm 2024. Trên thị trường quốc tế, loại hạt này cũng có giá "đắt như tôm tươi".

Hạt vị đắng của Việt Nam có giá đắt nhất thế giới, bà con Tây Nguyên gọi là ‘cây ATM’
Bà con Tây Nguyên phấn khởi khi giá cà phê năm nay được mùa
Ảnh: Báo Biên phòng

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ: "Khách quốc tế tìm đến đặt mua hàng rất nhiều. Có những tháng, một ngày chúng tôi tiếp vài đoàn, suốt từ thứ Hai đến thứ Bảy”.

Hồi giữa năm 2024, cà phê đặc sản đến từ Sơn La cũng chào hàng tại Chicago và nhanh chóng “cháy hàng”. Trong khi đó, tại các nhà máy trong nước, 8.000 tấn hàng (tương đương 400 container) cũng được tiêu thụ hết sạch. Được biết, tập đoàn này thường xuyên xuất khẩu sang Trung Đông, châu Âu và thu hút sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp châu Á trong thời gian gần đây.

>> Toyota nhận 4,5 triệu USD để khắc phục 'tử huyệt' của xe điện

Bà Nguyễn Thanh Thùy - Tổng Giám đốc CTCP Cà phê Golden Beans - tiết lộ rằng năm 2024 là một năm tăng trưởng đột biến của doanh nghiệp, với mức tăng khoảng 40% so với năm trước.

Bà nói thêm: "Thành quả khả quan này xuất phát từ việc linh hoạt chuyển đổi định hướng và mục tiêu kinh doanh, tập trung mọi nguồn lực cho hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường lớn, tiềm năng trên thế giới".

Việt Nam dẫn đầu thế giới về cà phê Robusta

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, năm 2024, Việt Nam có tổng diện tích cà phê khoảng 718.000 ha, sản lượng đạt 1,95 triệu tấn. Trước đây, người dân trồng cà phê chủ yếu để “xóa đói giảm nghèo”, nhưng những năm gần đây, loại cây này đã trở thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam là một trong năm quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong đó cà phê Robusta chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Mặc dù vậy, trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam vẫn bị định giá thấp trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, từ cuối năm 2023 đến nay, giá loại hạt vị đắng này đã tăng mạnh. Các doanh nghiệp rang xay toàn cầu đổ xô đầu tư, tích trữ cà phê, chỉ đứng sau vàng và dầu mỏ về mức độ đầu cơ.

Cuối tháng 11/2024, cà phê Robusta chạm mức giá kỷ lục trong lịch sử là 5.533 USD/tấn. Xuất khẩu bình quân của Việt Nam cũng tăng mạnh, từ 3.054 USD/tấn lên 5.450 USD/tấn, đỉnh điểm đạt 5.855 USD/tấn. Tổng kết năm 2024, giá cà phê đã tăng 59,1% so với năm trước, đẩy mức giá xuất khẩu trung bình lên 4.158 USD/tấn - một cột mốc chưa từng có trong lịch sử cà phê Việt Nam.

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 1,35 triệu tấn cà phê, thu về khoảng 5,62 tỷ USD. Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm, nhưng nhờ giá tăng mạnh, tổng kim ngạch vẫn tăng 32,5%.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - nhận xét: "Năm 2024 là một năm vô cùng đặc biệt với ngành cà phê, bởi đây là lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới. Không chỉ vậy, cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc chi phối cung - cầu và giá cả trên thị trường toàn cầu”.

Chất lượng cần đi đôi với thương hiệu

Sau nhiều năm nghiên cứu và phát triển, Việt Nam đang đứng trong nhóm các quốc gia có năng suất cà phê cao nhất thế giới. Chất lượng hạt cà phê Việt Nam được đánh giá cao, với công thức rang xay phổ biến trên thị trường quốc tế. Tỷ lệ sử dụng cà phê Robusta ngày càng tăng, phản ánh tầm quan trọng của loại hạt thế mạnh này.

Nhiều doanh nghiệp quốc tế đã ghi nhận rằng cà phê Việt Nam là sản phẩm không thể thay thế tại thị trường châu Âu. Đặc biệt, cà phê hòa tan của Việt Nam mang hương vị rất riêng, không nơi nào có được.

Được biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên và rất tích cực triển khai thực hiện chính sách EUDR (Quy định chống phá rừng của châu Âu). Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đều sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này, giúp Việt Nam trở thành nguồn cung hàng đầu mà các nhà rang xay thế giới tìm đến.

Hạt vị đắng của Việt Nam có giá đắt nhất thế giới, bà con Tây Nguyên gọi là ‘cây ATM’
Cà phê Việt Nam ngoài chất lượng còn cần hướng tới làm thương hiệu Ảnh: Cục thông tin đối ngoại

Dự báo năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nguồn cung dồi dào và nhu cầu thị trường thế giới ngày càng lớn. Dự tính, sản lượng xuất khẩu sẽ tăng thêm 1,8 triệu bao, đạt 24,4 triệu bao. Hiện tại, đặc sản cà phê Việt đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, phần lớn vẫn xuất khẩu ở dạng thô, khiến Việt Nam chưa đạt mức độ bao phủ mạnh như Malaysia hay Thái Lan.

Do đó, bên cạnh sản lượng cao và chất lượng tốt, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng thương hiệu, phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn từ trung bình đến thượng hạng, qua đó nâng cao giá trị cà phê Việt trên thị trường quốc tế. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, giảm thiểu khí thải nhà kính.

Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ rằng đơn vị đã quyết định đầu tư vào cà phê đặc sản Arabica, xây dựng nhà máy chế biến tại Sơn La từ 7 năm trước. Mặc dù sản lượng vẫn còn khiêm tốn, nhưng ông tự hào rằng khi nhắc đến Arabica Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến một đặc sản chất lượng cao.

Tương tự, CTCP Cà phê Golden Beans cũng đã chọn hướng đi riêng. Thay vì chỉ xuất khẩu thô, doanh nghiệp tập trung 100% nguồn lực vào phát triển thương hiệu SHIN Cà phê.

Bà Nguyễn Thanh Thùy - Tổng Giám đốc công ty - nhấn mạnh: "Hướng đi này giúp tối ưu hiệu quả doanh thu, khai thác giá trị tiềm năng của sản phẩm và góp phần thực hiện sứ mệnh nâng tầm nông sản Việt mà chúng tôi đặt ra từ những ngày đầu xây dựng thương hiệu”.

>> Ngư dân Thanh Hóa kiếm hàng chục triệu/ ngày nhờ đặc sản mềm, ngon

Không cần bán gỗ, loại rừng này vẫn mang về hàng triệu đô mỗi năm cho Việt Nam

Giá cà phê hôm nay 8/2/2025: nhiều nguyên nhân khiến Arabica không lập tiếp kỷ lục

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/hat-vi-dang-cua-viet-nam-co-gia-dat-nhat-the-gioi-ba-con-tay-nguyen-goi-la-cay-atm-275248.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Hạt vị đắng của Việt Nam có giá đắt nhất thế giới, bà con Tây Nguyên gọi là ‘cây ATM’
    POWERED BY ONECMS & INTECH