Hé lộ phác thảo đầu tiên xây dựng tuyến cao tốc 18.000 tỷ đồng định hình bản đồ liên vùng núi phía Bắc
Tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được xây dựng giúp tăng cường kết nối giao thông giữa các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc với Hà Nội và cửa khẩu Trung Quốc.
Vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã nghe đơn vị tư vấn thiết kế trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.
Hiện, tỉnh Bắc Kạn đang rà soát các phương án để hoàn thiện báo cáo sớm trình Thủ tướng Chính phủ về dự án này. Tuyến cao tốc xây dựng nhằm tăng cường kết nối giao thông giữa các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc với Hà Nội và cửa khẩu Trung Quốc.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07) có chiều dài khoảng 227km. Đoạn Hà Nội - Chợ Mới (Bắc Kạn) đã khai thác, tuyến qua Chợ Mới - Bắc Kạn đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư và đoạn Bắc Kạn - Cao Bằng đã bổ sung vào quy hoạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn với tiêu chuẩn tối thiểu 4 làn xe, đủ làn dừng khẩn cấp với tốc độ 80-100km/h. Tuyến cao tốc thẳng nhất có thể, hạn chế qua khu dân cư, cầu sông, hầm núi, để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực.
Theo Thông báo số 29/TB-VPCP ngày 15/02/2023 và Thông báo số 333/TB-VPCP ngày 18/08/2023, Thủ tướng giao UBND các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Hiện, đơn vị tư vấn đã phối hợp với các địa phương và Bộ Chỉ huy Quân sự để thống nhất phương án đầu tư. Theo đó, tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng dài 90km với đoạn từ Bắc Kạn đến Cao Bằng dài 30km. Tuyến đi qua TP. Bắc Kạn và 3 huyện Bạch Thông, Ba Bể và Ngân Sơn.
Phương án xây dựng tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng (Nguồn: Báo Bắc Kạn) |
Theo đó, có 3 phương án đầu tư cao tốc được đưa ra, trong đó có phương án kết nối với QL3B và tuyến Bắc Kạn - hồ Ba Bể tận dụng được nền đường đã có. Phương án này có chi phí xây dựng thấp nhưng cần chi phí giải phóng mặt bằng cao khi đi qua địa phận TP. Bắc Kạn. Tuy nhiên, tuyến sẽ thuận lợi cho thi công và kết nối dân cư, giúp phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án bao gồm 43 cầu (2,73km vượt sông, suối và 8,57km vượt địa hình) với 2 hầm dài 1,18km. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 459ha với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà Nước.
Trong giai đoạn 2024-2025, dự án dự kiến triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, từ 2025-2027 tiến hành giải phóng mặt bằng và tái định cư, từ 2025-2029 các nhà thầu thi công xây dựng. Dự án này hứa hẹn tạo bước đột phá trong kết nối hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và bảo đảm an ninh quốc phòng tại khu vực miền núi phía Bắc.
Tìm đường gỡ khó cho siêu dự án nhiệt điện 4 tỷ USD cách biên giới Việt Nam 120km
Dự án NOXH Thành Hải, Ninh Thuận hơn 1.100 tỷ đồng về tay nhóm Địa ốc Hoàng Quân (HQC)