Kiến thức

Kênh đào trị giá 2.300 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam lưu thông tàu lên đến 3.000 tấn, giúp rút ngắn 100km di chuyển

Vĩ Hạ 28/07/2024 15:11

Kênh đào này đã đưa hàng nghìn tàu chở hàng, vận tải dầu, than... đi qua, giúp rút ngắn thời gian đi lại và phát triển kinh doanh giao thương.

Cách đây 1 năm trước, ngày 25/7/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố mở luồng Đường thủy nội địa Quốc gia - kênh Nghĩa Hưng (cụm công trình kênh đào nối sông Đáy và sông Ninh Cơ). Công trình này thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6), nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Cụm công trình kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Tiền Phong

Cụm công trình kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Tiền Phong

Tính đến hiện tại, đây là công trình kênh đào có quy mô lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng, theo tỷ giá tại thời điểm đó).

Luồng Nghĩa Hưng là luồng thủy nội địa quốc gia có cấp kĩ thuật đặc biệt, với chiều dài hơn 2,1km (bao gồm chiều dài âu tàu). Điểm khởi đầu tại Km8+300 sông Ninh Cơ, xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm kết thúc tại Km35+450 sông Đáy, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Vị trí kênh đào trên bản đồ

Vị trí kênh đào trên bản đồ

Cụm công trình được khởi công ngày 1/3/2021, gồm các hạng mục chính: xây dựng kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng đáy kênh 90-100m; xây dựng âu tàu với kích thước buồng âu rộng 17m, dài 179m, cao độ đáy -7,0m.

Cấp kĩ thuật của luồng: cấp đặc biệt (phía sông Đáy có bề rộng 90m, cao trình đáy -6,3m; phía sông Ninh Cơ có bề rộng đáy 100m, cao trình đáy -6,7m); chiều cao tĩnh không thông thuyền 15m.

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một hợp phần rất quan trọng của Dự án WB6. Ảnh: Báo Tiền Phong

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một hợp phần rất quan trọng của Dự án WB6. Ảnh: Báo Tiền Phong

Trong đó, hạng mục giá trị nhất của kênh đào là âu tàu. Âu Nghĩa Hưng có 2 khu chờ tàu: đầu âu tàu phía sông Ninh Cơ và đầu âu tàu phía sông Đáy, mỗi đầu có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành. Trọng tải cho phép đi qua âu đến 3.000 tấn.

Âu tàu Nghĩa Hưng là hạng mục giá trị nhất của kênh đào. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Âu tàu Nghĩa Hưng là hạng mục giá trị nhất của kênh đào. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Âu tàu vận hành tương tự kênh đào Panama. Khi tàu vào trong âu, cửa âu phía sau sẽ đóng kín. Sau đó, các van sẽ điều tiết để mực nước trong âu bằng với mực nước ở cửa ra. Cuối cùng, cửa phía trước mở ra để tàu qua.

Mỗi khi thực hiện thao tác đóng, mở âu tàu đều có sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng kỹ sư để đảm bảo an toàn.

Cửa âu là cửa thép, nặng 87 tấn, kết cấu phẳng kéo ngang, di chuyển bằng hệ thống đường ray, dây cáp và tời điện. Trên cửa âu có hai van điều tiết nước. Ảnh: Báo điện tử VOV

Cửa âu là cửa thép, nặng 87 tấn, kết cấu phẳng kéo ngang, di chuyển bằng hệ thống đường ray, dây cáp và tời điện. Trên cửa âu có hai van điều tiết nước. Ảnh: Báo điện tử VOV

Ngoài ra, công trình kênh đào còn có một nhà điều hành với hệ thống máy tính quan sát ra vào, camera và hệ thống loa thông báo. Khi có tàu đi qua hoặc đang chờ nhân viên nhìn qua màn hình quan sát rồi thông báo cho các chủ tàu chuẩn bị. Máy điều khiển đón, mở cửa ngày ở hai bên đầu âu tàu. Cùng với máy điều khiển đóng, mở, bơm nước vào âu tàu.

Tòa nhà nằm ở trung tâm âu tàu. Ảnh: Báo điện tử VOV

Tòa nhà nằm ở trung tâm âu tàu. Ảnh: Báo điện tử VOV

Dự án Đường thủy nội địa Quốc gia - kênh Nghĩa Hưng được xây dựng nhằm phục vụ phương tiện thủy chở hàng trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông, để phát triển vận tải thủy từ ven biển đi qua sông Ninh Cơ vào sông Đáy và ngược lại. Mỗi lần đi qua có thể là 3 tàu tùy theo khối lượng và kích thước. Từ đó giảm chi phí vận tải, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang từng nhận định, đây là dự án giao thông phức tạp, do kết hợp nhiều hạng mục như cầu vượt kênh (thuộc đường bộ), kênh đào (thuộc đường thủy) và đê kè (thuộc thủy lợi). Trong đó, riêng hạng mục âu tàu được xác định lớn nhất Việt Nam.

Sau 1 năm đi vào hoạt động, kênh đào nối sông Đáy và sông Ninh Cơ đã đưa hàng nghìn tàu chở hàng, vận tải dầu, than... đi qua, giúp rút ngắn thời gian đi lại và phát triển kinh doanh giao thương thuận tiện ở các vùng lân cận.

Tàu NĐ-3680 lưu thông qua kênh Nghĩa Hưng. Con tàu có trọng tải 2.700 tấn với chiều dài 76m, chiều rộng hơn 13m. Ảnh: Báo Tiền Phong

Tàu NĐ-3680 lưu thông qua kênh Nghĩa Hưng. Con tàu có trọng tải 2.700 tấn với chiều dài 76m, chiều rộng hơn 13m. Ảnh: Báo Tiền Phong

Công trình cũng giúp rút ngắn đáng kể lộ trình đường thủy từ cụm cảng Ninh Phúc đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc các tỉnh Duyên hải phía Nam. Đối với tàu 2.000-3.000 tấn, kênh đào này giúp tiết kiệm quãng đường di chuyển lên tới 100km, tương ứng khoảng 8h lưu thông.

Ngoài ra, tàu vận tải ven biển có thể đi vào cửa sông Ninh Cơ rồi rẽ sang sông Đáy thông qua kênh đào. Điều này có ý nghĩa trong bối cảnh cửa sông Đáy bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào khó khăn.

>> Hùng vĩ dòng sông dài nhất chảy qua lãnh thổ Việt Nam với diện tích lưu vực chiếm 20% diện tích của cả nước, cung cấp nước cho 2/7 vùng kinh tế

Kênh đào gần 90km lớn nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, huy động hơn 90.000 dân binh làm việc suốt 5 năm

Kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia ảnh hưởng đến ĐBSCL: Một số tỉnh thực hiện phương án ứng phó

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/kenh-dao-tri-gia-2300-ty-dong-lon-nhat-viet-nam-luu-thong-tau-len-den-3000-tan-giup-rut-ngan-100km-di-chuyen-d128820.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kênh đào trị giá 2.300 tỷ đồng lớn nhất Việt Nam lưu thông tàu lên đến 3.000 tấn, giúp rút ngắn 100km di chuyển
    POWERED BY ONECMS & INTECH