Với sự hỗ trợ đắc lực của giải pháp giao dịch lô lẻ và T+ thời gian tới đây, các kết quả kém sắc của nhóm công ty chứng khoán trong quý II/2022 hoàn toàn có thể được cải thiện tích cực trong nửa cuối quý III và quý IV.
Chia sẻ thông tin với báo chí gần đây, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, HOSE đã báo cáo Uỷ ban Chứng khoán về việc chốt thời hạn áp dụng giao dịch lô lẻ từ ngày 12/9/2022.
Cũng liên quan đến chính sách quan trọng trên thị trường chứng khoán, từ ngày 29/8 tới đây, nhà đầu tư sẽ được giao dịch cổ phiếu với chu kỳ T+1,5 thay vì T+3 như trước đó.
Công ty chứng khoán nói gì?
Giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam lâu nay cho dù được gọi là T+2 nhưng phải đến cuối chiều ngày T+2 tiền bán chứng khoán mới về tài khoản của nhà đầu tư. Vì vậy, trong ngày T+2, tiền bán không về kịp tài khoản để giao dịch; muốn mua vào phải ứng trước tại công ty chứng khoán mà nhà đầu tư đã mở tài khoản.
Thêm nữa, nhà đầu tư mua vào nhưng tới cuối ngày T+2 (còn trong giờ giao dịch) cũng chưa thấy cổ phiếu về tài khoản. Thay vào đó, nhà đầu tư phải đợi tới sáng ngày T+3 mới có thể thực hiện giao dịch.
Lâu nay, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đặt ra khái niệm “giao dịch T+2” trên thị trường nhưng thực chất đây là giao dịch T+2,5 hay T+3.
Chính vì vậy, quyết sách T+2 áp dụng ngày 29/8/2022 được xem là một bước tiến rất lớn của giới quản lý thị trường đối với thị trường chứng khoán qua đó đưa việc giao dịch về đúng bản chất được kỳ vọng.
Chu kỳ giao dịch rút ngắn lại sẽ giúp thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia và khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI từ đó có thêm cơ sở được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại.
Phản ứng về diễn biến này, chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhấn mạnh, phiên giao dịch tới, thị trường sẽ chính thức rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 (T+1,5) thay vì T+3 như hiện tại.
Việc áp dụng T+2 cũng tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư ngoại vào các cơ quan quản lý đang nỗ lực đưa thị trường chứng khoán Việt Nam dần tiếp cận những tiêu chuẩn thị trường tiên tiến, hướng đến việc nâng hạng thị trường.
Bên cạnh đó, khi thời gian chứng khoán về tài khoản được rút ngắn, vòng quay giao dịch sẽ nhanh hơn qua đó góp phần tăng thanh khoản.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán là một tín hiệu tích cực cho thanh khoản và các thành viên tham gia thị trường.
Kỳ vọng KQKD đột phá trong những tháng còn lại
Cùng với thông báo áp dụng trở lại giao dịch lô lẻ trên HOSE từ 12/9/2022, giải pháp T+2 cũng đang được rất nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng về sự cải thiện kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm 2022 - nhất là từ tháng 9 trở đi.
Nhìn lại lịch sử, từ mức lợi nhuận (tổng) trước thuế chỉ khoảng 600 - 700 tỷ đồng hồi quý I/2020, sau 7 quý, nhóm công ty chứng khoán đã lập đỉnh lợi nhuận tại thời điểm quý IV/2021 (thị trường bùng nổ) với hơn 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trải qua 2 quý đầu năm 2022 với những biến động mạnh trên thị trường, lợi nhuận trước thuế ngành chứng khoán đã giảm đáng kể về mức hơn 8.000 tỷ đồng trong quý I và tiếp tục bốc hơi mạnh về dưới 3.000 tỷ trong quý II vừa qua khi lần lượt những ông lớn như SSI, VND, HCM, MBS, SHS,... đều báo doanh thu lao dốc mạnh.
Ghi nhận trong quý II/2022, trước đà lao dốc của thị trường chung, các kênh thu nhập của nhóm chứng khoán đều giảm mạnh; nhà đầu tư giao dịch cầm chừng, lượng tiền nằm chờ tại các công ty chứng khoán ghi nhận hơn 70.000 tỷ. Theo đó:
- Doanh thu mảng môi giới quý II/2022 tại hầu hết công ty chứng khoán đều giảm mạnh. Tổng doanh thu từ mảng này ghi nhận mức hơn 4.100 tỷ đồng so với mức 5.600 tỷ đồng trong quý I. Điều này đồng nghĩa với việc hụt thu lớn từ chi phí giao dịch.
- Dư nợ cho vay margin tính đến 30/6/2022 giảm mạnh hàng chục nghìn tỷ khiến lãi từ cho vay margin của nhóm này cũng giảm mạnh. Tổng cộng, nhà đầu tư đã trả 9.700 tỷ đồng lãi vay trong quý II vừa qua.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ đắc lực của giải pháp giao dịch lô lẻ và T+ trong thời gian tới đây có thể sẽ giúp thị trường chứng khoán đón nhận thêm những lứa nhà đầu tư mới, sự nhập cuộc trở lại của dòng tiền có thể giúp thanh khoản thị trường cải thiện, vòng quay vốn nhanh,... Vì vậy, các kết quả kém sắc trong quý II/2022 hoàn toàn có thể được cải thiện tích cực.
Mặc dù vậy, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục kém sắc trong nửa cuối năm, mức cải thiện này có thể sẽ là không đáng kể.
Các CTCK đã "hụt thu" lớn từ cho vay margin như thế nào trong quý II/2022?