Ngày 18/6, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ khởi công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022. Dự kiến, sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này. thời gian chạy xe từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn, chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút như hiện nay.
Hình thành trục giao thông xương sống, giải quyết ùn tắc QL51
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối trực tiếp với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng. Điểm đầu dự án giao với tuyến tránh QL1 qua TP. Biên Hòa, điểm cuối giao với QL56 (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Trên tuyến sẽ xây dựng 2 nút giao quan trọng gồm nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành) và nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Mặt khác, với hàng loạt dự án ở Đồng Nai đã hoàn thành đưa vào khai thác như: Tuyến tránh QL1 qua Biên Hòa, cao tốc Long Thành, sắp tới thông xe nút giao 319 kết nối cao tốc Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang triển khai)... sẽ hình thành hệ thống giao thông đồng bộ kết nối liên vùng ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận.
Như vậy, cụm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau hoàn thành sẽ kết nối các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức (đang triển khai), các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành sẽ hình thành trục giao thông xương sống giải quyết kẹt xe trên QL51.
Song song đó, trục cao tốc này sẽ phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Tài xế, doanh nghiệp đều vui mừng
QL51 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai là tuyến đường độc đạo từ Đồng Nai đi Bà Rịa-Vũng Tàu thường xuyên trong tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là nút giao QL51 - đường Ngô Quyền, phường An Hòa, TP. Biên Hòa do mặt đường đang thi công sửa chữa cải tạo nên tình trạng ùn tắc xảy ra không kể giờ cao điểm hay thấp điểm.
Hai điểm nóng ùn tắc khác là nút giao 25B và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đã tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết. Hằng ngày, hàng đoàn xe tải trọng lớn ra vào các khu công nghiệp Nhơn Trạch và xe lưu thông đi vào cao tốc rẽ ra QL51 gây xung đột giao thông, nên ùn tắc luôn thường trực.
Anh Nguyễn Văn Thế, một người dân phường Phước Tân, TP. Biên Hòa cho biết: Vào giờ tan tầm, nhiều công nhân, học sinh băng qua đường trước đầu xe ben, xe container chạy rầm rập, rất nguy hiểm. Mặt đường thì bong tróc, chỉ xảy ra va chạm nhỏ là giao thông kẹt cứng.
"Thứ Bảy, Chủ nhật nào cung đường từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TPHCM cũng ùn tắc như vậy. Trung bình, dòng xe sẽ nối đuôi nhau khoảng 1 giờ sau khi qua khỏi ngã ba Vũng Tàu, sau đó lên tới cao tốc Long Thành - Dầu Giây tiếp tục 'chôn chân' thêm khoảng 3 giờ nữa. Tổng thời gian từ Vũng Tàu về TPHCM có khi mất 5 - 6 giờ đồng hồ", anh Nguyễn Văn Thế kể lại.
Tài xế Đinh Tiến Lợi chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu than thở: Các nút giao 25B và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hằng ngày xe tải trọng lớn ra vào các khu công nghiệp Nhơn Trạch và vào cao tốc rẽ ra QL51 gây ách tắc giao thông luôn là nỗi ám ảnh của tài xế. Kẹt xe nhiều nhất là đoạn qua Biên Hòa và thị trấn Phú Mỹ.
"Nghe nói sắp có cao tốc mới rút ngắn được thời gian chạy xe chúng tôi rất mừng vì chạy tuyến này quãng đường không xa nhưng thời gian đi lúc nào cũng phải hơn 2 giờ đồng hồ, chưa kể đoạn đường này còn hay xảy ra tai nạn có khi ùn tắc đến nửa ngày mới đi được", anh Lợi cho hay.
Theo ông Bùi Văn Tuấn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến QL51 quá tải. Tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm. Một số nút giao trọng yếu tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông. Do đó, việc sớm đưa vào khai thác cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án đường kết nối liên vùng sẽ giảm tải cho QL51, chắc chắn sẽ giảm tai nạn giao thông.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai đánh giá cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành và thêm tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo thành trục đường Đông - Tây giúp giải tỏa nhanh lưu lượng phương tiện đang dồn trên tuyến độc đạo QL51.
Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp khu vực Long Thành, Nhơn Trạch đến cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Gò Dầu (Đồng Nai) đều đi qua QL51. Tuyến đường này ùn tắc từ nhiều năm khiến chi phí logistics bị đội lên cao. Cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Khởi công đồng loạt 3 dự án giao thông trọng điểm vào ngày 18/6
Văn phòng Chính phủ đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức khởi công các dự án đường bộ cao tốc. Trong đó, 2 dự án đường Vành đai 3 - TPHCM và cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sẽ được tổ chức khởi công đồng loạt vào ngày 18/6 (trong ngày này, dự án đường cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột cũng sẽ được khởi công).
Việc khởi công 2 dự án đường Vành đai 3 - TPHCM và cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu sẽ được tổ chức tại các điểm cầu TPHCM và điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án đường Vành đai 3 - TPHCM có chiều dài hơn 76 km đi qua địa bàn 4 địa phương gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TPHCM. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh (thuộc dự án thành phần 3) có chiều dài hơn 11 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 75.400 tỷ đồng.
Riêng về Dự án đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu có chiều dài hơn 53 km đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với 3 dự án thành phần. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh dài hơn 34 km, được chia làm 2 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 17.800 tỷ đồng.
Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0 - Km16) do UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư với chiều dài khoảng 16 km.
Dự án thành phần 2 (Km16 - Km 34+200) do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản (Ban QLDA 85 đại diện chủ đầu tư) với chiều dài khoảng 18,2 km.
Dự án thành phần 3 (Km 34+200 - Km 53+700) do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư với chiều dài khoảng 19,5 km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe theo từng đoạn tuyến.
Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Theo kế hoạch, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Đèo Cả: Đoàn công tác kiểm tra tiến độ gói thầu 736 tỷ đồng thuộc cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
Bình Phước khởi động dự án cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành