Câu chuyện đầu tư

Khúc cua nghiệt ngã đẩy doanh nghiệp thép rơi vào bế tắc, liệu cú xoay mình có cứu vãn dòng tiền kinh doanh?

Ánh Nguyệt 26/09/2024 18:53

Từng là nhà phân phối hàng đầu tại miền Nam, Thép SMC hiện rơi vào vòng xoáy bế tắc do áp dụng chiến lược kinh doanh chưa đúng đắn. Sai lầm trong đầu tư ngoài ngành và quản lý dòng tiền đã đẩy doanh nghiệp vào gánh nặng nợ nần và làm sụt giảm niềm tin từ nhà đầu tư.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) từng được biết đến là một trong những nhà phân phối thép lớn tại thị trường miền Nam Việt Nam. Với 36 năm hình thành và phát triển, SMC đã trải qua nhiều nốt thăng trầm giữa cuộc đua ngành thép đầy khó khăn và khốc liệt.

Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh sai lầm trong việc mở rộng đầu tư và quản lý dòng tiền không hiệu quả đã đẩy công ty vào tình thế khó khăn và dẫn đến quyết định buộc bán tài sản cứu vãn cho dòng tiền kinh doanh.

Những nốt thăng trầm trong chặng đường 36 năm của Thép SMC

Thép SMC tiền thân là Cửa hàng Vật liệu Xây dựng số 15 thuộc Trung tâm Bán buôn Bán lẻ Vật liệu Xây dựng Miền Nam, được thành lập vào năm 1988. Năm 2004, doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa và đến 2006, cổ phiếu SMC chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Trải qua hơn 3 thập kỷ phát triển, SMC đã khẳng định vị thế là nhà phân phối chiến lược cho nhiều nhà sản xuất thép lớn tại Việt Nam, cung cấp đa dạng sản phẩm như thép xây dựng, thép tấm cán nóng, thép lá mạ kẽm, mạ điện, thép không gỉ... Công ty còn cung cấp các sản phẩm thép hình và thép cường độ cao, phục vụ nhiều ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, SMC sở hữu hệ thống Coil Center với tổng công suất gia công lên đến 500.000 tấn/năm, bao gồm các nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Hệ thống này được trang bị máy móc hiện đại, cung cấp dịch vụ gia công và định hình các loại thép.

Về hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2012-2022 chứng kiến doanh thu của SMC tăng trưởng mạnh mẽ. Từ mức doanh thu dưới 10.000 tỷ đồng, công ty đã liên tục bứt phá và đạt kỷ lục hơn 23.100 tỷ đồng vào năm 2022.

Tuy nhiên, chi phí giá vốn hàng bán quá lớn đã làm bào mòn đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong năm 2014 và 2015, mặc dù đạt doanh thu trên 10.000 tỷ đồng song công ty chỉ mang về vỏn vẹn 20 tỷ đồng lãi sau thuế thậm chí báo lỗ gần 200 tỷ đồng vào năm 2015. Trong các năm tiếp theo, dù doanh thu tiếp tục tăng nhưng lợi nhuận vẫn duy trì dưới 400 tỷ đồng.

'Khúc cua' nghiệt ngã đẩy doanh nghiệp thép rơi vào bế tắc, bán tài sản để cứu vãn dòng tiền
Tổng hợp báo cáo tài chính hợp nhất của Thép SMC

Khúc cua nghiệt ngã đẩy doanh nghiệp thép rơi vào vòng xoáy thua lỗ

Năm 2022 đánh dấu một "khúc cua nghiệt ngã" cho ngành thép Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt với khó khăn dồn dập từ cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Sự đóng băng của thị trường bất động sản, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng cùng với chi phí đầu vào tăng cao đã đẩy nhiều doanh nghiệp thép rơi vào khủng hoảng.

Ngay cả Chủ tịch Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng thừa nhận rằng ông đã dự đoán trước khó khăn cho ngành thép trong năm 2022, nhưng tình hình thực tế còn tồi tệ hơn nhiều so với dự tính. Hòa Phát dù đã chuẩn bị trước nhưng cũng phải từ bỏ kế hoạch đa ngành và tập trung toàn bộ nguồn lực cho sản xuất thép, đặc biệt là “cú đấm thép” Khu liên hợp Dung Quất 2.

Trái ngược, Thép SMC đã lựa chọn chiến lược kinh doanh khác. Tuy nhiên, nước đi này là nguồn cơn kéo theo sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi doanh nghiệp vẫn phải đi vay hàng trăm tỷ đồng từ ngân hàng và gánh nặng trả lãi vay vẫn đè nặng thì SMC lại mạnh tay xách tiền đầu tư chứng khoán. Kết quả kinh doanh không mấy khả quan khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ. Đáng chú ý là khoản đầu tư mua cổ phiếu POM của Pomina. Thời điểm cuối năm 2023, khoản đầu tư này có trị giá chưa đến 24 tỷ đồng nhưng SMC đã phải trích lập dự phòng giảm giá gần 16 tỷ đồng (tức tạm lỗ gần 66%).

Bên cạnh đó, Thép SMC cũng lao đao với vòng xoáy công nợ với khách hàng, đặc biệt là hệ sinh thái liên quan đến Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC). Tính đến cuối tháng 6/2024, Thép SMC tạm ghi nhận lỗ hơn 22% từ khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC, sau khi hoán đổi từ khoản nợ trị giá 104,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái liên quan đến Tập đoàn Novaland như Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley, Công ty TNHH The Forest City đang đứng đầu danh sách nợ xấu với hơn 700 tỷ và công ty đã trích lập dự phòng hơn 570 tỷ đồng.

Trong khi loạt doanh nghiệp xem hàng tồn kho là lợi thế thì SMC liên tục phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị hàng chục tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2022, tổng giá trị hàng tồn kho công ty còn 1.663 tỷ đồng và doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá gần 100 tỷ đồng. Đến cuối quý II/2024 vừa qua, giá trị hàng tồn kho giảm gần một nửa, còn 801 tỷ đồng nhưng công ty vẫn trích lập dự phòng giảm giá gần 30 tỷ đồng.

>> ‘Đại gia’ buôn thép lao đao trong vòng xoáy công nợ với Novaland (NVL) và Xây dựng Hòa Bình (HBC)

'Khúc cua' nghiệt ngã đẩy doanh nghiệp thép rơi vào bế tắc, bán tài sản để cứu vãn dòng tiền
Cổ phiếu SMC giảm 60% chỉ trong 2 tháng và trượt thẳng về vùng đáy 2 năm

Những sai lầm phải trả giá đắt

Chính cú ngã này đã khiến Thép SMC phải trả một cái giá rất đắt, doanh nghiệp buộc phải liên tục bán tài sản để hỗ trợ dòng tiền kinh doanh. Trong thời gian gần đây, công ty đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền như SMC Bình Dương (diện tích 6.197m²), SMC Đà Nẵng (diện tích 27.731m²), SMC Tân Tạo 2 (diện tích 9.096m²)

Không dừng lại ở đó, vào ngày 11/4 vừa qua, SMC đã thông qua việc bán tòa nhà văn phòng tại TP. HCM với diện tích 329m² với giá chuyển nhượng lên tới 170 tỷ đồng.

Cùng chiều với tình hình kinh doanh, giá cổ phiếu SMC liên tục lao dốc khiến cho nhà đầu tư nắm giữ cảm thấy chán nản và ức chế. Thị giá đã "bốc hơi" gần 60% chỉ trong vòng 2 tháng từ vùng 20.x về 7.8x và chạm về vùng đáy 2 năm.

Trước tình hình đó, việc bán tài sản để cơ cấu lại bộ máy doanh nghiệp và hỗ trợ dòng tiền là bước đi cần thiết để phục hồi lại doanh nghiệp. Dù vậy, giữa cuộc đua ngành thép đầy khốc liệt và chông gai, Thép SMC cần một chiến lược dài hạn và bền vững hơn như tập trung vào cải thiện hiệu quả kinh doanh và cơ cấu bộ máy doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc danh mục đầu tư, đặc biệt là loại bỏ những khoản đầu tư không hiệu quả và thoát khỏi vòng xoáy công nợ sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp ổn định tài chính và có sức bật trong tương lai.

>> SMC - Hành trình từ 'căn nhà và những chiếc nhẫn' đến lãi rồi lỗ nghìn tỷ, vì đâu nên nỗi?

Bóng dáng doanh nghiệp BĐS sàn HoSE tại dự án hơn 6.400 tỷ đồng vừa được Đồng Nai chấp thuận

Sacombank (STB): Vị trí cổ đông cá nhân lớn nhất của ông Dương Công Minh có nguy cơ lung lay sau bước ngoặt tái cơ cấu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khuc-cua-nghiet-nga-day-doanh-nghiep-thep-roi-vao-be-tac-lieu-cu-xoay-minh-co-cuu-van-dong-tien-kinh-doanh-250512.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Khúc cua nghiệt ngã đẩy doanh nghiệp thép rơi vào bế tắc, liệu cú xoay mình có cứu vãn dòng tiền kinh doanh?
POWERED BY ONECMS & INTECH