Thế giới

Khủng hoảng kép tại Amazon: 12 triệu người Brazil sống trong vòng xoáy đói nghèo do phá rừng

Vũ Bấc 27/10/2024 16:30

12 triệu người Brazil vẫn đang chật vật đi tìm lối thoát khỏi vòng luẩn quẩn: đói nghèo và phá rừng.

Theo thống kê mới nhất, hơn 1/5 diện tích rừng nhiệt đới Brazil đã biến mất, chủ yếu do hoạt động của các tập đoàn nông nghiệp. Ngành trồng đậu nành và chăn nuôi gia súc - trụ cột kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này - đang đe dọa nghiêm trọng "lá phổi xanh" của Trái Đất.

Trong số 28 triệu cư dân Amazon, gần 12 triệu người đang sống dưới ngưỡng nghèo cùng cực. Phần lớn là nông dân tự cung tự cấp, buộc phải đốt rừng làm nương rẫy do thiếu vốn đầu tư. Khi đất cạn kiệt dinh dưỡng, họ lại tiếp tục di chuyển và phá thêm rừng, tạo nên một vòng tròn khép kín của sự tàn phá.

Khủng hoảng kép tại Amazon: 12 triệu người Brazil sống trong vòng xoáy đói nghèo do phá rừng - ảnh 1
Nhiều nông dân Brazil mất mùa do cháy rừng và các hiện tượng thời tiết cực đoan ở lưu vực sông Amazon

"Amazon không chỉ đối mặt với khủng hoảng khí hậu mà còn là khủng hoảng xã hội nghiêm trọng," Tereza Campello, Giám đốc Ban Xã hội-Môi trường của Ngân hàng Phát triển Quốc gia Brazil (BNDES), nhấn mạnh. "Bảo vệ rừng Amazon sẽ không thể thành công nếu không đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương."

Quỹ Amazon, với ngân sách 4 tỷ reais (tương đương 710 triệu USD) từ các nước phát triển như Na Uy, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ, đang tiên phong thúc đẩy các mô hình kinh tế vi mô bền vững, thân thiện với môi trường. Sáng kiến này đóng vai trò then chốt trong cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 của Tổng thống Lula, đồng thời khẳng định vị thế dẫn đầu của Brazil trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Những thăng trầm và nỗ lực không ngừng nghỉ

Số phận của Quỹ Amazon đã trải qua nhiều thăng trầm theo các thay đổi chính trị tại Brazil. Khởi động năm 2008 dưới thời Tổng thống Lula, quỹ từng bị đình trệ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Bolsonaro (2019-2022), khi các nhà tài trợ quốc tế rút lui để phản đối chính sách bảo vệ môi trường yếu kém. Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Lula, quỹ đã được tái khởi động.

Mặc dù ngân sách đã tăng vọt lên 1,9 tỷ real so với mức trung bình 400 triệu real/năm trước đây, các chuyên gia vẫn cho rằng con số này chưa đủ để giải quyết triệt để khủng hoảng xã hội tại Amazon.

Tiểu bang Maranhão là minh chứng điển hình cho mối liên hệ giữa phá rừng và đói nghèo. Với hơn 75% diện tích rừng đã mất, tiểu bang này ghi nhận tỷ lệ nghèo đói lên tới 58%, gần gấp đôi mức trung bình toàn quốc. Theo nghiên cứu của Imazon, càng nhiều rừng bị phá, các chỉ số xã hội càng suy giảm nghiêm trọng. Tại Maranhão, chưa đến 50% hộ gia đình có điều kiện vệ sinh cơ bản, và khoảng một phần ba trẻ em không được tiếp cận giáo dục trung học.

Khủng hoảng kép tại Amazon: 12 triệu người Brazil sống trong vòng xoáy đói nghèo do phá rừng - ảnh 2
Nạn phá rừng tăng vọt lên mức cao nhất trong 15 năm trong nhiệm kỳ tổng thống của Jair Bolsonaro

Dưới thời Bolsonaro, dù Brazil đã cam kết cùng hơn 140 quốc gia chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, nhưng thực tế lại chứng kiến tốc độ phá rừng tăng kỷ lục do chính sách buông lỏng quản lý. Tình trạng chiếm đất, khai thác gỗ, khai khoáng và buôn ma túy trái phép hoành hành.

Năm 2023 đánh dấu bước ngoặt khi nạn phá rừng giảm 50% so với năm trước, xuống mức thấp nhất kể từ 2018. Quỹ Amazon đã mở rộng hoạt động với kế hoạch 318 triệu USD nhằm đẩy lùi tội phạm môi trường, từ khai thác gỗ đến buôn lậu vàng và động vật hoang dã.

"Nhận thức về bảo vệ rừng đã thay đổi - chúng ta phải quan tâm đến người dân địa phương," GS. Celso Silva-Junior từ Viện Nghiên cứu Môi trường Amazon nhận định. "Rừng có giá trị nhất khi còn nguyên vẹn."

Tại Maranhão, quỹ đang triển khai các dự án tái sinh rừng bền vững: cung cấp cây giống bản địa miễn phí, công cụ và đào tạo kỹ thuật canh tác cho nông dân. Theo bà Campello từ BNDES, đây là cách tiếp cận toàn diện nhằm ngăn chặn tình trạng người dân địa phương bị các tổ chức tội phạm lợi dụng do thiếu sinh kế thay thế

Khủng hoảng kép tại Amazon: 12 triệu người Brazil sống trong vòng xoáy đói nghèo do phá rừng - ảnh 3
Người dân thu hoạch hạt cây babassu - một loại cây trồng công nghiệp có thể trở thành sinh kế bền vững thay thế ở bang Maranhão, Brazil.

Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cho nạn phá rừng, Quỹ Amazon đang hướng đến một "kho báu xanh" còn chưa được khai thác hết tiềm năng: cây cọ babassu.

Tại Brazil - quốc gia tự hào sở hữu kho tàng thực vật phong phú bậc nhất thế giới, babassu vẫn tạo được dấu ấn riêng nhờ khả năng thích nghi đặc biệt. Loài cây này không chỉ phát triển mạnh trong những khu rừng rậm Amazon mà còn có thể sinh tồn trên cả vùng đất cằn cỗi.

Điều đặc biệt của babassu là tất cả bộ phận đều có giá trị kinh tế: lá được đan thành mái tranh và thảm; hạt chứa dầu ăn và có thể chế biến thành bột; vỏ được dùng làm than nấu ăn. Tại Maranhão - một trong chín tiểu bang thuộc vùng Amazon hợp pháp, thu hoạch hạt babassu từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập phụ của nhiều nông hộ tự cung tự cấp.

"Babassu không đơn thuần là một loài cây - đó là trụ cột về mặt xã hội, môi trường và kinh tế của Maranhão," ông Agenor Nepomuceno, người phát ngôn của tổ chức phi chính phủ Assema - đơn vị điều hành nhiều dự án của Quỹ Amazon trong khu vực, nhấn mạnh. "Thực tế cho thấy đói nghèo xuất hiện nhiều hơn ở những cộng đồng thiếu vắng babassu, nơi rừng cọ đã bị tàn phá nghiêm trọng."

Khủng hoảng kép tại Amazon: 12 triệu người Brazil sống trong vòng xoáy đói nghèo do phá rừng - ảnh 4
Một chương trình của Quỹ Amazon đã giúp ông José Ramos Leitão trồng açái và các loài cây bản địa khác tại trang trại của ông ở Bacabal, Maranhão.

"Trước đây tôi đốt rừng để làm nương rẫy, giờ tôi tức giận khi thấy người khác phá rừng," José Ramos Leitão, nông dân tại thị trấn Bacabal, tâm sự trong một chiều muộn trên hiên nhà. Năm năm trước, với sự hỗ trợ từ Quỹ Amazon, ông đã chuyển sang mô hình canh tác bền vững.

Thay vì phá rừng làm nương theo chu kỳ cạn kiệt đất, Ramos Leitão giờ trồng các loại cây công nghiệp bản địa như açái, babassu, ca cao, cupuaçu, xoài và mãng cầu xiêm. Những cây lâu năm này không chỉ đòi hỏi ít công chăm sóc mà còn cho năng suất cao đến mức ông có thể bán ra thị trường. "Tôi hy vọng con cái mình sẽ tiếp tục sống được trên mảnh đất này, không phải bán đi," ông chia sẻ về kế hoạch mở rộng sang sản xuất bột trái cây tại nhà máy mới của Quỹ Amazon.

Tuy nhiên, những câu chuyện thành công như của Ramos Leitão vẫn còn khá hiếm. Theo thống kê của Quỹ Amazon, các dự án sản xuất bền vững, bao gồm cả hợp tác xã thu hoạch babassu, mới chỉ tiếp cận được 240.000 người - con số khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Nhiều tổ chức phi chính phủ vẫn cho rằng quy mô can thiệp của quỹ còn quá nhỏ so với mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Họ cũng lo ngại về tính bền vững của quỹ khi hoạt động chủ yếu dựa vào sắc lệnh hành pháp, phụ thuộc nhiều vào quyết định của tổng thống đương nhiệm.

Thành thị và rừng Amazon

Trong khi các dự án của Quỹ Amazon tập trung chủ yếu vào vùng nông thôn, một thực tế đáng báo động đang bị bỏ quên: 80% dân số Amazon đang sống tại các đô thị với những thách thức ngày càng nghiêm trọng.

Belém - thủ phủ bang Pará và địa điểm được chọn để tổ chức hội nghị khí hậu COP30 vào tháng 11/2025 - là minh chứng điển hình. Đằng sau những tòa nhà chọc trời hiện đại và công trình kiến trúc thuộc địa sơn màu hồng là một thực tế phũ phàng: một nửa trong số 1,3 triệu dân thành phố đang sống trong các khu ổ chuột thiếu tiện nghi cơ bản.

Khủng hoảng kép tại Amazon: 12 triệu người Brazil sống trong vòng xoáy đói nghèo do phá rừng - ảnh 5
Những ngôi nhà trên một con kênh ở Belém, một thành phố có 1,3 triệu dân ở khu vực rừng Amazon, nơi phần lớn dân số sống trong các khu ổ chuột.

"Mỗi khi trời mưa, nhà cửa ngập lụt, đồ điện tử hư hỏng. Chúng tôi lo lắng về côn trùng và rắn rết, đặc biệt là khi có con nhỏ," Hugo Ribeiro, một cư dân Belém chia sẻ. 18 tuổi rời khu định cư trong rừng để đến thành phố tìm việc, giờ đây anh và vợ mưu sinh bằng nghề bán açái xay và giao hàng bằng xe máy. Căn nhà gạch đỏ tạm bợ của gia đình anh nằm dọc một trong những con kênh thường xuyên ngập lụt của thành phố.

Theo các chuyên gia chính sách, Belém đứng đầu Brazil về tốc độ đô thị hóa thiếu kiểm soát. Số liệu từ tổ chức phi chính phủ Trata Brasil cho thấy chỉ 3% nước thải được xử lý. Tỷ lệ án mạng ở mức 19,6/100.000 dân, cao gấp ba lần so với São Paulo - thủ phủ kinh tế của đất nước.

"Brazil cần nhìn nhận Amazon theo cách khác," Beto Veríssimo, đồng sáng lập Imazon nhấn mạnh. "Các vấn đề đô thị tại Amazon bị lãng quên vì trong tâm trí nhiều người, đây vẫn chỉ là vùng rừng hoang vu."

Thách thức tại Belém và các đô thị Amazon khác cho thấy bảo vệ "lá phổi xanh" của Trái Đất không chỉ là vấn đề môi trường. Đó còn là bài toán về phát triển bền vững và công bằng xã hội cho hàng triệu con người.

Theo Quỹ Amazon, BNN

>> Đang ở trong khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử hiện đại, Lebanon thêm kiệt quệ vì xung đột Israel-Hezbollah

Liên Hợp Quốc cảnh báo nhiệt độ Trái đất tăng 3°C, vượt xa ngưỡng dự báo

Cuba đối mặt 'khủng hoảng kép' chưa từng có: Bão lớn ập đến đúng lúc mất điện toàn quốc, hơn 10 triệu dân 'chìm trong bóng tối'

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/khung-hoang-kep-tai-amazon-12-trieu-nguoi-brazil-song-trong-vong-xoay-doi-ngheo-do-pha-rung-129040.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khủng hoảng kép tại Amazon: 12 triệu người Brazil sống trong vòng xoáy đói nghèo do phá rừng
    POWERED BY ONECMS & INTECH