Cuộc đua tăng vốn của các CTCK ngày càng trở nên gay cấn. Theo đó, khoảng 38.000 tỷ đồng được huy động trong năm 2024 giúp các công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đặc biệt là cho vay margin.
Theo báo cáo mới nhất của VIS Rating, trong 5 tháng đầu năm 2024, khoảng 1/3 trong số 30 công ty chứng khoán (CTCK) lớn nhất công bố kế hoạch tăng vốn mới trong tổng cộng khoảng 38.000 tỷ đồng được huy động trong năm 2024.
Ông Phan Duy Hưng, Giám đốc Khối xếp hạng và nghiên cứu VIS Rating cho biết: "Chúng tôi đánh giá đây là kế hoạch tăng vốn rất đáng kể và sẽ giúp tăng tổng vốn chủ sở hữu của các công ty lên khoảng 20%. Với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm 2024. Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các công ty tăng cường bộ đệm rủi ro”.
Khoảng 38.000 tỷ đồng huy động được từ đợt tăng vốn CTCK năm 2024 (Nguồn: VIS Rating) |
Kế hoạch tăng vốn phần lớn đến từ các công ty chứng khoán trong nước quy mô lớn (HCM, SSI, VCI, VND) cũng như các công ty có liên kết với ngân hàng (ACBS, MBS, ORS, SHS).
Trong số 10 công ty huy động nguồn vốn mới để tăng trưởng kinh doanh, có 4 CTCK đã hoàn tất việc tăng vốn là ACBS, DNSE, HCM và KAFI.
Đáng chú ý, Chứng khoán VCI huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động hướng đến nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, nguồn vốn bổ sung từ đợt tăng vốn giúp HCM và MBS tiếp tục mở rộng kinh doanh trong khi vẫn duy trì dư nợ cho vay ký quỹ thấp hơn giới hạn quy định là 200% tổng vốn chủ sở hữu.
Đối với các công ty có danh mục đầu tư lớn vào trái phiếu doanh nghiệp hoặc cổ phiếu như ORS, SHS, VIX và VND, vốn bổ sung sẽ tăng cường khả năng hấp thụ rủi ro cho các công ty này.
Hay như CTCK chuẩn bị niêm yết trên HoSE là DNSE dự định sử dụng nguồn vốn mới của mình để nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển năng lực công nghệ tài chính, chẳng hạn như ứng dụng robo-advisor để phục vụ khách hàng.
Theo đánh giá của VIS Rating, điều kiện kinh doanh thuận lợi như lãi suất thấp duy trì ở mức thấp và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện đang khuyến khích hoạt động giao dịch của nhà đầu tư trở nên sôi nổi hơn.
Minh chứng cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trên thị trường chứng khoán tăng 36% so với năm 2023 lên mức 24.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của ngành đã tăng từ 4,3% vào năm 2023 lên 5,3% vào quý I/2024, nhờ sự tăng trưởng của các hoạt động kinh doanh cốt lõi - đầu tư và cho vay ký quỹ.
Bên cạnh đó, kế hoạch của cơ quan quản lý để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao dịch và loại bỏ các yêu cầu ký quỹ trước giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư mới theo thời gian.
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường thuận lợi như hiện nay, việc sử dụng phần lớn nguồn vốn huy động được đẩy mạnh cho vay margin sẽ giúp cho CTCK mang về nguồn thu "khủng" trong thời gian tới.
Số tiền thu được từ tăng vốn phần lớn hỗ trợ cho hoạt động cho vay margin (Nguồn: VIS Rating) |
Khác với chuyển biến tích cực của các CTCK trong nước, trong 2 năm qua, việc tăng vốn của các CTCK nước ngoài đã chậm lại. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh doanh của các công ty này đã đi sau so với các công ty trong nước. Số liệu từ VIS Rating cho thấy dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty nước ngoài tăng 18% mỗi năm trong hai năm qua, thấp hơn nhiều so với mức 35% của các công ty trong nước.
Cùng với việc danh mục đầu tư nhỏ hơn so với các công ty cùng ngành, tỷ lệ ROAA trung bình của các CTCK nước ngoài là 3,7% trong giai đoạn 2020-2023, thấp hơn nhiều so với mức 6% của các công ty trong nước.
>> Cục diện cuộc đua tăng vốn CTCK xoay chuyển bất ngờ khi 'End Game', vị trí quán quân đổi chủ