Nhiều lãnh đạo, ông chủ tập đoàn lớn có thu nhập 0 đồng thời kỳ kinh tế khó khăn, song nhiều sếp doanh nghiệp vẫn được nhận mức lương hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Trong lúc các doanh nghiệp dồn dập công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023, CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CKG) vừa công bố báo cáo bán niên 2023 đã soát xét với lợi nhuận giảm mạnh. Cổ phiếu doanh nghiệp này gần đây cũng bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12/10.
Dù kinh doanh giảm sút song thù lao của Chủ tịch HĐQT CKG Trần Thọ Thắng lại rất “nổi trội” với hơn 8,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Tính trung bình mỗi tháng, ông Thắng nhận hơn 1,4 tỷ đồng tiền thù lao.
Mức thu nhập này đã giảm nhiều so với cùng kỳ khi 6 tháng đầu năm ông Thắng nhận gần 9,7 tỷ đồng.
Trong khi đó, những cấp dưới như Phó Chủ tịch nhận 30 triệu đồng hay Thành viên HĐQT chỉ nhận trung bình 27 triệu đồng, tương đương 4,5 triệu đồng/tháng - chưa bằng 1/300 thù lao của chủ tịch.
Tổng Giám đốc là bà Phạm Thị Như Phượng nhận hơn 2,4 tỷ đồng, tính trung bình khoảng 200 triệu đồng/tháng. Các vị trí Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng nhận trung bình hơn 50 triệu đồng/tháng.
Cũng theo báo cáo tài chính quý 3 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho thấy, doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt 86.858 tỷ đồng, lãi ròng vỏn vẹn 77,4 tỷ, lần lượt giảm 15,5% và 97,8% so với cùng kỳ năm trước qua đó còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ trong năm nay. Đây cũng là kỳ có tình hình kinh doanh ảm đạm nhất của Thế giới Di động kể từ khi lên sàn.
Đáng nói, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài có thu nhập 226,3 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm. Con số này cũng ngang với mức đã ghi nhận trong báo cáo tài chính bán niên soát xét. Nói cách khác, ông Tài không nhận lương trong quý 3.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em – người dẫn dắt hai chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) và ông Trần Huy Thanh Tùng – CEO MWG cũng làm việc không lương.
Chỉ riêng ông Rober Willett, Thành viên HĐQT, nhận gần 1 tỷ đồng thù lao trong quý 3 và nhận hơn 2,1 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Một thành viên HĐQT khác là ông Đặng Minh Lượm nhận gần 100 triệu đồng trong quý 3 và 532 triệu đồng trong 9 tháng.
Ngoài ra, trong quý 3/2023, lợi nhuận Bất động sản Phát Đạt (PDR) ghi nhận lương Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt vẫn đạt gần 500 triệu đồng trong kỳ, cho dù mức này đã giảm hơn 80% so với cùng kỳ.
Thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp địa ốc phải dồn lực tái cấu trúc nợ sau đợt khủng hoảng trên thị trường trái phiếu. Bất động sản Phát Đạt vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phát hành hơn 67 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động gần 672 tỷ đồng nhằm thanh toán toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu mà doanh nghiệp đã phát hành trong năm 2021 và 2022 (tổng cộng 7 lô). Trong 9 tháng đầu năm, Phát Đạt đã chi ra tổng cộng hơn 1.500 tỷ đồng để mua lại nhiều lô trái phiếu.
Ngược về quá khứ, năm 2022 khó khăn vừa qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn ghi nhận thu nhập tiền tỷ đồng/tháng. Tổng giám đốc Vincom Retail, bà Trần Mai Hoa nhận gần 1 tỷ đồng/tháng. Bà Mai Kiều Liên (Vinamilk) nhận khoảng 540 triệu đồng/tháng.
Trong năm 2021, 7 thành viên HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhận gần 118 tỷ đồng thù lao, tính bình quân mỗi người 1,4 tỷ đồng/tháng. Năm 2022, các thành viên HĐQT Hòa Phát, bao gồm Chủ tịch Trần Đình Long đã không nhận thù lao.