Báo cáo mới nhất của Mỹ cho thấy tăng trưởng kinh tế quý I đã yếu hơn nhiều so với dự báo, trong khi giá cả tăng với tốc độ nhanh hơn.
Tối ngày 25/4 (theo giờ Việt Nam), Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này đã tăng 1,6% trong quý I/2024, dựa trên dữ liệu được điều chỉnh theo mùa và theo lạm phát. Mức tăng này thấp hơn đáng kể so với dự báo tăng 2,4% của các chuyên gia tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones và cũng thấp hơn mức tăng 3,4% của quý IV/2023 và 4,9% trong quý III/2023. Có thể thấy, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng yếu hơn nhiều so với dự đoán hồi đầu năm.
GDP Mỹ QI/2021-QI/2024. Ảnh: CNBC |
Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng đã tăng 2,5%, giảm từ mức tăng 3,3% trong quý IV/2023 và dưới mức ước tính 3% của Phố Wall. Đầu tư cố định, chi tiêu của chính quyền các bang và địa phương đóng góp phần lớn giúp GDP đi lên trong quý I. Trong khi đó, đầu tư vào hàng tồn kho của các doanh nghiệp tư nhân sụt giảm trong ba tháng đầu năm.
Thêm nữa, cũng có một số tin xấu về lạm phát. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát quan trọng của Fed đã tăng 3,4% trong quý I, mức tăng mạnh nhất trong một năm. Không bao gồm thực phẩm và năng lượng, PCE lõi tăng với tốc độ 3,7%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Các quan chức Fed thường quan tâm đến lạm phát lõi để đánh giá các xu hướng dài hạn.
Thị trường tài chính đi xuống sau báo cáo này. Hợp đồng tương lai gắn với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 400 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao hơn, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức 4,69%.
David Donabedian, giám đốc đầu tư của CIBC Private Wealth US, cho biết: "Đây là báo cáo tồi tệ nhất về cả 2 phía - tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến nhưng lạm phát cũng cao hơn dự kiến. Điều này sẽ buộc Chủ tịch Fed phải có thái độ diều hâu trong cuộc họp tuần tới”.
Báo cáo được công bố giữa lúc thị trường đang lo ngại về hướng đi của chính sách tiền tệ và thời điểm Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Phạm vi lãi suất của Fed hiện ở mức 5,25% - 5,5%, mức cao nhất trong khoảng 23 năm dù ngân hàng trung ương Mỹ đã không tăng lãi suất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Thị trường đã phải điều chỉnh quan điểm của họ về thời điểm Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vì lạm phát vẫn tăng cao. Theo đó, nhiều dự đoán cho thấy Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9 năm nay và có thể tiến hành 1 hoặc 2 lần cắt giảm.
Tuy nhiên, kỳ vọng của nhà đầu tư cũng thay đổi sau khi báo cáo GDP được công bố. Thị trường hiện cho rằng Fed chỉ giảm lãi suất một lần trong năm 2024.
Thị trường hiện cho rằng Fed chỉ giảm lãi suất một lần trong năm 2024 |
Chia sẻ với CNBC, ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại LPL Financial, cho hay: “Nền kinh tế có thể sẽ giảm tốc hơn nữa trong những quý tiếp theo vì người tiêu dùng có thể sắp cạn tiền chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm đang đi xuống do lạm phát gây áp lực lớn hơn lên người tiêu dùng. Chúng ta nên hy vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong suốt năm nay nhờ tổng cầu chững lại, dù Fed còn rất xa mới đạt được mục tiêu 2%”.
Nhìn chung, người tiêu dùng đã bắt kịp với tốc độ tăng của lạm phát, dù áp lực giá quả thực có ảnh hưởng đến việc tăng lương. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm tốc từ mức 4% trong quý IV/2023 xuống còn 3,6% trong quý I.
Thu nhập đã điều chỉnh cho thuế và lạm phát tăng 1,1% trong cùng quý, thấp hơn con số 2% ghi nhận trong ba tháng cuối năm ngoái. Mô hình chi tiêu cũng thay đổi trong quý vừa qua. Chi tiêu cho hàng hoá giảm 0,4%, trong khi cho dịch vụ tăng 4% - mức cao nhất kể từ quý III/2021.
Thị trường lao động ổn định đã giúp củng cố nền kinh tế. Báo cáo khác do Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày cho thấy tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tính đến ngày 20/4 là 207.000, giảm 5.000 so với tuần trước và dưới mức ước tính 215.000.
Ngoài ra, cũng có dấu hiệu tích cực là đầu tư nhà ở đã tăng 13,9%, mức tăng lớn nhất kể từ quý IV năm 2020.
>> Fed giữ nguyên lãi suất cao nhất 23 năm chưa hẳn là 'điều xấu'?