Tương lai, tỉnh này không chỉ là nơi đáng sống mà còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Ngày 28/2, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức công bố quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề: “Bình Thuận - Nơi đáng sống - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư”. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Dương Văn An...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Bình Thuận có những lợi thế khác biệt về vị trí địa lý, thế địa chiến lược trong thời đại hội nhập, trong kỷ nguyên của biển và đại dương và xu thế chuyển đổi xanh toàn cầu. Phó Thủ tướng đề nghị Bình Thuận cần tiếp tục tận dụng để đưa kinh tế phát triển đột phá, nhất là về lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, chế biến sâu khoáng sản…
Phó Thủ tướng tin rằng với nỗ lực vượt khó, năng động sáng tạo, khát vọng lớn lao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Bình Thuận trong những năm qua, lần này sẽ đưa tỉnh phát triển năng động, nhanh, bền vững, mạnh giàu từ biển, có thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước…
Theo ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, năm 2023, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bình Thuận sắp xếp lại không gian phát triển, hoạch định chính sách, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong nhiều năm tới.
>> Tỉnh cực Nam của duyên hải Nam Trung Bộ: Mục tiêu thu nhập bình quân GRDP đạt 8.000 USD
“Để thực hiện thành công các mục tiêu quy hoạch, trong thời gian tới tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, ông Dũng nói.
Cụ thể, Bình Thuận sẽ tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột, gồm công nghiệp, du lịch dịch vụ, nông nghiệp.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết thêm, quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành sau khi tỉnh hoàn thành việc tổng kết 30 năm tái lập, rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm qua quá trình phát triển. Từ một tỉnh có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, được người dân khái quát bằng 3 từ “khó, khô, khổ” nhưng bằng nhiều quyết tâm, Bình Thuận đã vượt khó đi lên.
“Kinh tế tăng trưởng khá, kết cấu hạ tầng dần hoàn thiện, bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Bình Thuận đang dần trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp năng lượng và du lịch”, ông Dương Văn An nói.
Cũng tại buổi lễ, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 nhà đầu tư, trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư khác.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận vừa được Thủ tướng phê duyệt sẽ có 17 đô thị. Ngoài TP. Phan Thiết là đô thị loại II, đến năm 2025 thị xã La Gi sẽ là thành phố loại III, các thị trấn Phan Rí Cửa, Liên Hương (huyện Tuy Phong) và Võ Xu (huyện Đức Linh) sẽ thành đô thị loại IV. Ngoài ra, còn 11 huyện, thị trấn (Vĩnh Tân, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Đức Tài và huyện đảo Phú Quý) sẽ là đô thị loại V.
>> Tỉnh dài nhất Việt Nam tính theo quốc lộ 1A sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển, năng lượng sạch