Làm đường sắt tốc độ cao 'chỉ chuyên chở khách' với vận tốc 350km/h: Chuyên gia nói gì?

14-12-2023 17:56|Hồ Nga

Ông Hoàng Minh Sơn, chuyên gia thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao cho rằng "phải thiết kế giảm tốc độ để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả".

Văn phòng Chính phủ ngày 4/12 vừa qua công bố Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế - xã hội và kinh nghiệm đầu tư đường sắt cao tốc trên thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/giờ. Tuyến đường sẽ thực sự trở thành trục "xương sống", đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.

Đồng thời Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.

Theo lộ trình, đến năm 2025 sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

>> Ngân hàng Thế giới tài trợ loạt dự án lên tới 7 tỷ USD, bao gồm đường sắt cao tốc Hà Nội - Hòa Lạc

Kịch bản nào cho đường sắt cao tốc Việt Nam?

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại Việt Nam dự kiến có chiều dài 1.545km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Theo tính toán, sẽ cần hàng nghìn ha đất đền bù cho dự án. Ước tính khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt sẽ phục vụ cho 163 triệu lượt khách mỗi năm.

Trước đó Bộ Giao thông vận tải đưa ra 3 kịch bản cho đường sắt tốc độ cao để lấy ý kiến góp ý từ các bộ ban ngành và các chuyên gia.

- Kịch bản 1 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, chiều dài 1.545km, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục, khai thác riêng tàu khách. Đồng thời nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc - Nam hiện hữu để chuyên chở hàng. Tổng mức đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

- Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế khoảng 200 - 250km/h, chạy tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

- Và kịch bản 3 xây dựng mới tuyến đường đôi, khổ ray 1.435mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu, tốc độ thiết kế 350km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 68,98 tỷ USD.

>> 'Siêu' dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có quy mô ra sao?

Chuyên gia nói gì?

Với 3 kịch bản được đưa ra, có thể thấy nếu chọn thiết kế đường sắt tốc độ cao với vận tốc 350km/h sẽ là kịch bản 1 - chỉ chuyên chở khách, hoặc kịch bản 3 - sẽ có "dự phòng" cho tuyến chở hàng khi có nhu cầu. Còn nếu chọn phương án 2, vận tốc thiết kế 250km/h và sẽ khai thác song song cả vận tải hành khách và chở hàng.

Nhiều ý kiến, tranh luận được đưa ra. Phần lớn những tranh luận đều liên quan đến việc có nên khai thác tàu hàng hay không.

Kịch bản đường sắt cao tốc 'chỉ chuyên chở khách' với vận tốc 350km/h: Chuyên gia nói gì?
Ông Hoàng Minh Sơn, chuyên gia thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao

Ông Hoàng Minh Sơn, chuyên gia thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao cho rằng "phải thiết kế giảm tốc độ để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả".

Theo ông Sơn, ở Việt Nam nên làm dự án đường sắt tốc độ cao với vận tốc 250Km/h, cho tàu hàng chạy cùng để tăng doanh thu (như Lào), sẽ cho hiệu quả cao hơn nhiều.

Ông Sơn cho rằng việc đầu tư đường sắt cao tốc với vận tốc thiết kế 350km/h chỉ để chở khách là một lựa chọn nhiều rủi ro, khó khả thi cả về phương diện tài chính. Thực tế chứng minh việc đường sắt cao tốc chỉ chuyên khai thác vận tải hành khách ở các nước khác đã không cho hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, dự án có quy mô lớn, đòi hỏi rất cao cả về tiêu chí kỹ thuật và chất lượng, trình độ năng lực. Dù dự kiến ban đầu khoảng 80% dự án sẽ nội địa hóa, song nhiều chuyên gia cho rằng nếu thiết kế dự án với tốc 350km/h, trình độ kỹ thuật ở mức rất cao, khó có doanh nghiệp trong nước đủ năng lực.

Đường sắt cao tốc ở Anh liên tục đội vốn

Trên thế giới, nhiều nước đã làm đường sắt cao tốc. Ở Anh, năm 2013, Thủ tướng Anh David Cameron công bố lộ trình cho mạng lưới đường sắt cao tốc mở rộng đầu tiên của Anh, được gọi là HS2 - một tuyến tàu cao tốc hiện đại trị giá 37 tỷ bảng chạy qua trung tâm đất nước.

Hàng tỷ bảng đã được chi ra, tuy nhiên, sau đó, như nhiều công trình "thế kỷ" khác, chi phí nhanh chóng bị đội lên, từ 37 tỷ bảng ban đầu lên 50 tỷ bảng – và có lúc được dự kiến lên 80 rồi đến 100 tỷ bảng.

screenshot-2023-12-15-at-08.26.23.png
Ảnh: AFP/Getty Images

Kết thúc giai đoạn đội vốn, dự án lại rơi vào thế khó khác, buộc phải liên tục công bố cắt giảm bớt các chặng, tuyến để có thể sớm hoàn thành những chặng còn lại.

"Điều tệ hại" như nhiều bài báo tại Anh đưa tin, là vì cắt giảm, đích đến cuối cùng không còn vào Euston - trung tâm thủ đô - mà kết thúc tại Old Oak Common – một kho đường sắt ở ngoại ô phía tây bắc London.

HS2, như nhiều chuyên gia nói, "chẳng đi đến đâu'" khi kết thúc tuyến tại một nơi cách khá xa thủ đô, người dân muốn đến trung tâm London phải di chuyển thêm một quãng đường dài. Tuyến đường sắt đang đứng trước nguy cơ thất bại.

screenshot-2023-12-15-at-08.28.22.png
Ảnh minh họa

Tại Mỹ, mới đây Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận 10 dự án phát triển đường sắt cao tốc trên toàn nước Mỹ trị giá đến 8,2 tỷ USD.

Các dự án chính được lựa chọn bao gồm: Xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc mới giữa các bang California và Nevada, sẽ phục vụ hơn 11 triệu hành khách mỗi năm; tạo ra một tuyến đường sắt cao tốc xuyên qua Thung lũng Trung tâm của California để nối đến Los Angeles và San Francisco.

Dự án sẽ hỗ trợ việc di chuyển với tốc độ lên tới hơn 350 km/giờ và thực hiện các nâng cấp đáng kể cho các hành lang đường sắt ở Virginia, Bắc Carolina và D.C.

>> Kịch bản đường sắt cao tốc với vận tốc 350km/h: 'Chuyên chở khách'

Kịch bản đường sắt cao tốc với vận tốc 350km/h: 'Chuyên chở khách'

'Siêu' dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có quy mô ra sao?

Ngân hàng Thế giới tài trợ loạt dự án lên tới 7 tỷ USD, bao gồm đường sắt cao tốc Hà Nội - Hòa Lạc

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lam-duong-sat-toc-do-cao-chi-chuyen-cho-khach-voi-van-toc-350kmh-chuyen-gia-noi-gi-215615.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Làm đường sắt tốc độ cao 'chỉ chuyên chở khách' với vận tốc 350km/h: Chuyên gia nói gì?
POWERED BY ONECMS & INTECH