Láng giềng Việt Nam miệt mài gom vàng dự trữ, hé lộ toan tính phía sau

08-04-2024 19:08|Hoàng Yến

Trong suốt hơn 1 năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã mua vào một lượng vàng lớn. Theo các chuyên gia, chính động thái này cùng với cuộc chiến ở Ukraine và Gaza đã giúp giá của kim loại quý này liên tiếp lập đỉnh.

Hôm nay (8/4), giá vàng thế giới có lúc đã vượt mốc 2.350 USD/ounce. Căng thẳng địa chính trị, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và động thái tích trữ vàng của Trung Quốc là những nguyên nhân khiến tâm lý đầu cơ tăng cao.

Thông thường, vàng vẫn được coi là “hầm trú ẩn an toàn” trong thời kỳ bất ổn và là công cụ phòng vệ trước tình trạng đồng tiền pháp định mất giá. Do đó, khi căng thẳng ở Trung Đông và Ukraine dâng cao như thời gian vừa qua, cộng với cú sốc lạm phát hậu Covid, vàng tăng giá mạnh là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, có một nguyên nhân khác khiến vàng tăng giá: PBOC đã ồ ạt mua vàng trong 16 tháng liên tiếp. Và điều đó cũng kéo theo làn sóng mua vàng của một loạt các thị trường mới nổi khác.

Mua vàng 16 tháng liên tiếp và mua nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đang toan tính gì?
Trung Quốc đang ồ ạt mua vàng

Chính xác thì Trung Quốc đang làm gì?

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council – WGC), sau khi mua vàng 16 tháng liên tiếp, trong cả năm 2023 PBOC đã mua vàng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Năm ngoái, PBOC mua khoảng 225 tấn, chiếm gần 25% tổng số 1.037 tấn được mua bởi các NHTW trên toàn thế giới. Hiện tại, ước tính PBOC nắm giữ gần 2.257 tấn.

Không chỉ PBOC, người tiêu dùng Trung Quốc cũng tăng mua vàng dưới nhiều hình thức từ vàng thỏi, vàng miếng đến vàng trang sức vàng sau khi các tài sản khác đều giảm giá. Do nền kinh tế lớn thứ hai giảm tốc, thậm chí một số lĩnh vực lâm vào khủng hoảng nặng nề, đồng nhân dân tệ, bất động sản và cổ phiếu Trung Quốc đã đồng loạt giảm giá.

Vì sao Trung Quốc mua vào nhiều vàng đến vậy?

Trung Quốc phải phụ thuộc khá lớn vào đồng USD để giao thương với phần còn lại của thế giới. Vì USD là đồng tiền dự trữ quốc tế, hầu hết mọi loại hàng hóa đều được niêm yết bằng USD. Hơn một nửa thương mại thế giới cũng dùng USD làm đồng tiền thanh toán.

Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc trong 30 năm qua và thậm chí đe dọa của vị trí số 1 thế giới của Mỹ, nước này cũng xây dựng được dự trữ ngoại hối khổng lồ mà chủ yếu là đồng USD. Tuy nhiên, Bắc Kinh lo sợ điều đó khiến Trung Quốc bị phụ thuộc quá nhiều vào đồng bạc xanh. Do đó, nước này đang nỗ lực đa dạng hóa dự trữ ngoại hối.

Theo số liệu mà phía Mỹ công bố, Trung Quốc đã giảm dần lượng USD nắm giữ. Kể từ năm 2011, khối lượng đã giảm 1/3, xuống còn khoảng 800 tỷ USD. Đà giảm tăng mạnh kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Không chỉ Trung Quốc, các nước khác trong khối BRICS (nhóm gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - các nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ thống trị kinh tế toàn cầu vào năm 2050) cũng đều thực hiện chiến lược tương tự. Thậm chí BRICS đã nêu ý tưởng về một đồng tiền chung được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với USD để trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Mua vàng 16 tháng liên tiếp và mua nhiều nhất thế giới, Trung Quốc đang toan tính gì?
Nhiều nước lo ngại Mỹ sẽ "vũ khí hóa" đồng USD

Các nước này lo ngại Washington có thể “vũ khí hóa” đồng USD để bảo vệ vị thế kinh tế cũng như chính trị của nước Mỹ. Vị thế của USD cũng cho phép Mỹ dễ dàng vay mượn với chi phí thấp hơn nhiều so với các nước khác. Ngoài ra, Mỹ còn có thể dùng đồng nội tệ làm công cụ để trừng phạt các nước như Nga, Iran và Triều Tiên.

Sau khi Nga đưa quân tới Ukraine hồi tháng 2/2022, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt vài vòng trừng phạt lên Moscow, trong đó có đóng băng dự trữ của NHTW Nga ở nước ngoài. Dưới sức ép từ Mỹ, hầu hết các ngân hàng Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Theo giới phân tích, có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng nước này có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt tương tự nếu như tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự hoặc nếu như căng thẳng thương mại với Washington xấu đi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói rằng đất nước của ông có thể “lấy lại Đài Loan” bằng vũ lực nếu như đó là điều cần thiết.

Các chuyên gia của WGC dự đoán PBOC sẽ tiếp tục gom vàng trong vài năm nữa, bởi nỗ lực đa dạng hóa chưa thể sớm kết thúc. Kể cả sau khi mua ròng suốt 18 tháng, vàng mới chỉ chiếm khoảng 4% dự trữ của PBOC, mức thấp hơn đáng kể so với NHTW của các nước phát triển.

Dẫu vậy, không ít chuyên gia nhận định hiện vàng đang bị “thổi giá” bởi nhóm đầu cơ. Nhu cầu của các NHTW như PBOC sẽ không khiến giá tăng mạnh đến vậy.

Tuy nhiên, không giống như tiền giấy, vàng vẫn có giá trị nội tại khi là một kim loại quý không dễ khai thác và tinh chế. Vàng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, từ điện tử, nha khoa, thiết bị vật tư y tế cho đến những lĩnh vực to tát hơn ô tô, quốc phòng và cả không gian.

>> Cơn sốt chưa từng có: Giới trẻ Trung Quốc nhịn trà sữa để mua vàng bé bằng hạt đậu

Phát hiện mỏ vàng 200 tấn dưới lòng đất, quốc gia châu Á lập tức đưa công nghệ 'khủng' vào khai thác, dự kiến sẽ tác động mạnh đến giá vàng thế giới

70 nhà đầu tư mất trắng hơn 60kg vàng: Lừa đảo hoành hành trong cơn sốt vàng ở Trung Quốc

Không phải Trung Quốc, đây mới là quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới, bằng 3 nước đứng sau cộng lại

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/mua-vang-16-thang-lien-tiep-va-mua-nhieu-nhat-the-gioi-trung-quoc-dang-toan-tinh-gi-229933.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Láng giềng Việt Nam miệt mài gom vàng dự trữ, hé lộ toan tính phía sau
POWERED BY ONECMS & INTECH