Doanh nghiệp

Lên chiến lược mở rộng, 3 doanh nghiệp lớn ngành thép cùng chọn 1 địa phương để xây nhà máy

Mai Chi 06/07/2024 - 05:36

VPBankS Research cho rằng động lực chính của ngành thép trong năm 2024 là hoạt động đầu tư công và các dự án bất động sản dân dụng.

Trong năm 2024, 3 công ty ngành thép gồm Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á (GDA), và Pomina (POM) đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy thép mới tại Vũng Tàu, nhằm sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, gia tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, CTCP Tôn Đông Á (Mã: GDA) đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy thép lá mạ mới tại Phú Mỹ, Vũng Tàu với công suất 1,2 triệu tấn/năm. Giai đoạn 1 của dự án dự kiến có công suất 300.000 tấn/năm, với sản phẩm chính là tôn mạ cho xây dựng.

Công ty dự kiến đưa nhà máy vào hoạt động vào quý II/2026 và kỳ vọng chạy hết công suất trong nửa cuối năm 2026. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 10.000 tỷ đồng, chia làm 4 giai đoạn và thực hiện từ 6 đến 8 năm kể từ khi được duyệt giấy phép đầu tư.

Lên chiến lược mở rộng, 3 doanh nghiệp lớn ngành thép cùng chọn 1 địa phương để xây nhà máy
Ảnh minh hoạ

>> Một dự án điện tại Việt Nam bất ngờ được chọn cung cấp tín chỉ carbon cho Olympic Paris 2024

Về CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG), doanh nghiệp này đã lên kế hoạch chào bán hơn 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 1.580 tỷ đồng, dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Giai đoạn 1 của dự án có công suất dự kiến 800.000 tấn/năm, giúp tăng công suất của Nam Kim lên gần 70% so với hiện tại. Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động vào quý IV/2025 - quý I/2026 và dần nâng công suất lên 100% vào năm 2027.

Công ty còn lại, Thép Pomina (Mã: POM) lại dù đang trong cảnh thua lỗ và nợ nần, vẫn đặt mục tiêu vận hành lại lò cao trong quý IV sau thời gian ngừng hoạt động để đón đầu sự trở lại của các dự án bất động sản.

Pomina dự kiến thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ với vốn điều lệ 2.700 - 2.800 tỷ đồng, trong đó Pomina sẽ sở hữu 35% vốn điều lệ và góp bằng hiện vật. Nhà máy thép Pomina Phú Mỹ dự kiến đạt công suất hàng năm từ 900.000 - 1 triệu tấn, với doanh thu có thể đạt 14.000 - 15.000 tỷ đồng/năm.

Cũng liên quan đến việc mở rộng quy mô sản xuất, CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) cũng dự kiến đến tháng 9/2026 toàn bộ dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn tất. Nếu đẩy nhanh tiến độ dự án, Hoà Phát có thể sản xuất HRC vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Năm 2025, tập đoàn ước tính có thể sản xuất hơn 2 triệu tấn HRC ở Dung Quất 2 cộng với 3 triệu tấn ở Dung Quất 1.

VPBankS Research cho rằng động lực chính của ngành thép trong năm 2024 là hoạt động đầu tư công và các dự án bất động sản dân dụng. Các dự án lớn đã hoàn tất khâu đấu thầu và bước vào thi công, nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ tăng cao, tạo điểm nhấn quan trọng cho ngành.

Tuy nhiên, giá trị các dự án hoàn thành và giao dịch vẫn ở mức thấp, doanh nghiệp chủ yếu thực hiện các dự án đã xong pháp lý và hoàn thiện đầy đủ thủ tục để bàn giao.

>> Lý do LG Chemical, Intel, Samsung... rời đi, không triển khai loạt dự án hàng tỷ USD tại Việt Nam

Hòa Phát, Việt Đức bất ngờ điều chỉnh giảm giá thép

EU gia hạn biện pháp tự vệ thép đến 2026, Hòa Phát, Nam Kim và Hoa Sen... bị tác động ra sao?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/len-chien-luoc-mo-rong-3-doanh-nghiep-lon-nganh-thep-cung-chon-1-dia-phuong-de-xay-nha-may-241186.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lên chiến lược mở rộng, 3 doanh nghiệp lớn ngành thép cùng chọn 1 địa phương để xây nhà máy
    POWERED BY ONECMS & INTECH