Doanh nghiệp

Lộ diện ông vua tiền mặt trong nhóm VN30

Hồ Nga 01/08/2023 14:59

Các doanh nghiệp trong nhóm Vn30 đang "ôm" hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền mặt.

Trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp đang chịu áp lực tài chính, áp lực trả nợ vay, thì ở một chiều hướng khác, nhiều doanh nghiệp lại đang “ôm” hàng chục nghìn tỷ đồng đi gửi ngân hàng chờ lấy lãi từng kỳ.

Nhóm VN30, ngoài các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, chứng khoán với ngành nghề đặc trưng phải dự trữ tiền, thì các doanh nghiệp còn lại đang ôm hàng trăm nghìn tỷ đồng tiền, tương đương tiền. Chủ yếu số tiền này được gửi tại ngân hàng với kỳ hạn dưới 12 tháng.

Ông vua tiền mặt trong rổ VN30 thuộc về GAS

Thống kê cho thấy ngoài nhóm các doanh nghiệp đặc thù, thì 16 doanh nghiệp còn lại trong rổ VN30 đang “ôm” gần 253.800 tỷ đồng tiền, tương đương tiền. Trong đó giàu có nhất là GAS với 40.768 tỷ đồng.

So găng sức mạnh về tiền của các doanh nghiệp trong nhóm VN30

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas – mã chứng khoán GAS) là doanh nghiệp giàu tiền mặt nhất. Tổng 40.768 tỷ đồng tiền đang được PV Gas nắm giữ, trong số đó có 10.500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền – là các khoản tiền gửi không kỳ hạn (1.758 tỷ đồng), tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng (10.734 tỷ đồng). Số tiền này đưa về cho PVGas 1.033 tỷ đồng lãi tiền gửi trong 6 tháng đầu năm.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là doanh nghiệp giàu tiền thứ 2 với 36.100 tỷ đồng, trong đó có 22.747 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng. Còn lại 13.252 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, có 4.030 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 9.210 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Dù số tiền chỉ thấp hơn PV Gas khoảng 4.600 tỷ đồng, nhưng số lãi thu về của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm chỉ 571 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với PV Gas.

CTCP FPT đứng thứ 3 trong danh sách những doanh nghiệp nắm giữ nhiều tiền trong rổ VN30 với tổng hơn 26.700 tỷ đồng. Trong số đó có gần 20.450 tỷ đồng gửi kỳ hạn 3-12 tháng tại ngân hàng; hơn 2.100 tỷ đồng gửi kỳ hạn 3 tháng và hơn 4.100 tỷ đồng gửi không kỳ hạn. Số tiền này mang về cho FPT 753 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm.

Cũng như các doanh nghiệp khác, dù có tiền lớn đi gửi ngân hàng, FPT cũng là chúa chổm đi vay. Tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 19.315 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 229 tỷ đồng. Do vậy FPT còn phải chi đến 360 tỷ đồng trả lãi cho các khoản vay.

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã chứng khoán PLX) đứng thứ 4 với 25.160 tỷ đồng. Trong số đó Petrolimex mang 8.920 tỷ đồng gửi có kỳ hạn từ 3-12 tháng tại ngân hàng. Số còn lãi có 8.668 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và 7.573 tỷ đồng tương đương tiền. Đáng chú ý, trong khoản đầu tư tài chính năm giữ đến ngày đáo hạn của Petrolimex, có thêm 2.000 tỷ đồng mang đi dầu tư trái phiếu. Nửa đầu năm 2023 Petrolimex nhận về 524 tỷ đồng lãi tiền gửi.

Một điều khác biệt tại Petrolimex, là có nhiều tiền đi gửi ngân hàng, nhưng PLX cũng là “chúa chổm”, đi vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 17.800 tỷ đồng (tăng hơn 4.200 tỷ đồng so với đầu năm) và 775 tỷ đồng vay dài hạn. Khoản vay này khiến công ty phải trả 463 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm.

Trong số những doanh nghiệp giàu tiền, Thế giới di động (MWG) có lẽ gây bất ngờ nhất. Tổng 23.328 tỷ đồng tiền đi gửi ngân hàng, có 20.979 tỷ đồng gửi cò kỳ hạn 3-12 tháng tại ngân hàng; 350 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 3 thàng; 2.558 tỷ đồng gửi không kỳ hạn và 441 tỷ đồng tiền mặt tại quỹ. Ngoài ra còn có gần 100 tỷ đồng tiền đang chuyển. Số tiền này mang về cho Thế giới di động 810 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm.

Cũng như Petrolimex, có tiền đi gửi ngân hàng, nhưng Thế giới di động cũng đi vay nợ lớn. Dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 16.337 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 5.899 tỷ đồng đến hết quý 2. Tổng vay nợ tài chính cũng lên đến 22.236 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến Thế giới di động phải trả 365 tỷ đồng lãi tiền vay trong nửa đầu năm.

Tính chung, TOP 5 doanh nghiệp giàu tiền nhất trong rổ VN30 đã nắm giữ 153.000 tỷ đồng tiền mặt.

So găng sức mạnh về tiền của các doanh nghiệp trong nhóm VN30

Có 9 doanh nghiệp ôm trên chục nghìn tỷ tiền mặt

Chỉ tính riêng trong nhóm VN30, đã có đến 9 doanh nghiệp ôm trên chục nghìn tỷ đồng tiền mặt mang đi gửi ngân hàng, hoặc tương đương tiền. Trong số đó, ngoài danh sách TOP5 kể trên còn có thêm 4 cái tên đình đám.

Sabeco (SAB) ghi nhận có 22.380 tỷ đồng tiền, tương đương tiền đi gửi các kỳ hạn tại ngân hàng. Nửa đầu năm Sabeco nhận về 684 tỷ đồng lãi tiền gửi.

PVGas, Hòa Phát, FPT, Petrolimex, Thế giới di động và cả Sabeco, nói chung lại đều là những doanh nghiệp ôm đến tỷ USD tiền mặt. Cá biệt PV Gas có số dư sắp chạm mức 2 tỷ USD.

So găng sức mạnh về tiền của các doanh nghiệp trong nhóm VN30

Vinamilk (VNM) cũng đang có đến gần 21.500 tỷ đồng tiền, tương đương tiền đưa đi gửi ngân hàng. Còn ông tổng Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) có hơn 15.200 tỷ đồng. Masan (MSN) cũng có hơn 10.800 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tiền gửi các kỳ hạn.

Danh sách những doanh nghiệp ôm nghìn tỷ đồng trong rổ VN30 còn có POW (hơn 9.300 tỷ đồng), Vinhomes (VHM - hơn 6.700 tỷ đồng), Vincom Retail (VRE - hơn 7.600 tỷ đồng), Novaland (NVL - hơn 4.000 tỷ đồng), Vietjet Air (VJC - gần 2.200 tỷ đồng).

Ít nhất, sở hữu cũng hàng trăm tỷ đồng là Phát Đạt (PDR) và Becamex (BCM).

Giàu tiền, các doanh nghiệp này đang kinh doanh ra sao?

TOP 10 ngân hàng lãi lớn nhất nửa đầu năm 2023: Một ông lớn thăng hạng ngoạn mục

Thế giới Di động đem 3.000 cửa hàng gia nhập 'cuộc chơi' ATM: 'So găng' chi phí rút tiền với các ngân hàng

‘Sát giờ G’ bầu cử Tổng thống Mỹ: So găng từ A đến Z chính sách của ông Donald Trump và bà Kamala Harris

Bài thuộc chủ đề Kết quả kinh doanh quý 2/2023
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/so-gang-suc-manh-ve-tien-cua-cac-doanh-nghiep-trong-nhom-vn30-194857.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lộ diện ông vua tiền mặt trong nhóm VN30
    POWERED BY ONECMS & INTECH