Ngành thép Việt Nam được kỳ vọng phục hồi có thể kỳ vọng vào nút thắt áp lực tài chính được cởi bỏ, lãi suất được giảm bớt. Dù vậy, ngành thép chịu những sức ép lớn từ nền kinh tế thế giới và trong nước suy yếu kéo dài từ giữa năm 2022 đến năm 2023.
Đầu phiên giao dịch 8/12 ghi nhận các mã cổ phiếu thép có những biến động tích cực. Tính đến 9h40h ngày 8/12, các "ông lớn" ngành thép đều ghi nhận mức tăng đột biến. Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) tăng 1,8%; Tập đoàn Hoa Sen (HSG) tăng 2,1%; Thép Nam Kim (NKG) tăng 3,5%, Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) tăng tới 8%, CTCP Ống thép Việt Đức (VGS) tăng 3,5%. Đặc biệt cổ phiếu POM của CTCP Thép Pomina tăng trần với mức thanh khoản tăng đột biến, gấp nhiều lần các phiên trước đó.
Đáng chú ý, các mã cổ phiếu kể trên đều đã tăng từ 20% - 40% so với 1 tháng trước đó.
Một số cổ phiếu tiêu biểu ngành thép |
Kỳ vọng cổ phiếu ngành thép bứt tốc
Ngành thép được đánh giá cao với kỳ vọng sẽ "bứt phá" trong quý IV/2023, nhờ đầu tư công được đẩy mạnh và sự phục hồi của nguồn cung căn hộ, tạo động lực tích cực cho nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước. Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu cũng có dấu hiệu tích cực hơn, được hỗ trợ bởi triển vọng từ các biện pháp kích thích thị trường bất động sản Trung Quốc.
Thực tế, giá thép gần đây đã có xu hướng tăng trở lại, và lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành liên tục được cải thiện theo từng quý. Các doanh nghiệp như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG) đang trải qua giai đoạn hồi phục mạnh mẽ nhờ vào sự tăng cường đơn hàng xuất khẩu và nhu cầu thép trong nước. Trong khi quý IV năm ngoái chứng kiến kết quả kinh doanh khó khăn đối với ngành thép, kỳ vọng là quý IV năm nay sẽ vượt trội so với cùng kỳ trước đó.
Tình hình kinh doanh của một số công ty ngành thép
Trong báo cáo phân tích cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát vừa cập nhật, Chứng khoán SSI cho biết, lợi nhuận ròng của HPG trong quý III/2023 đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 38% so với quý trước và cho thấy sự phục hồi đáng kể từ khoản lỗ 1.800 tỷ đồng trong quý III/2022. Sự phục hồi của lợi nhuận ròng của Hoà Phát được thúc đẩy nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp mang về 3.830 tỷ đồng lãi ròng, giảm 63,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 48% kế hoạch năm.
Tập đoàn Hoa Sen có doanh thu thuần quý III/2023 là 8.645 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn lại 892 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Sen thu về 12,2 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 96% so với quý 3 niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 14,2 tỷ đồng, giảm gần 95%. Lũy kế 9 tháng, Hoa Sen ghi nhận doanh thu 23.544 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ niên độ trước. Khấu trừ chi phí, công ty vẫn lỗ 410 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1.100 tỷ đồng.
Trong giai đoạn tháng 7-9/2023, hãng thép ở Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần 4,262 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Nam Kim đã có lãi gộp 205 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với mức lỗ gần 160 tỷ đồng cùng kỳ. Điểm đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là sự sụt giảm về chi phí. Nhờ đó, hãng thép ở Bình Dương lãi ròng 24 tỷ đồng trong quý 3/2023, trong khi cùng kỳ lỗ gần 420 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần 14,136 tỷ đồng và lãi ròng 110 tỷ đồng, giảm tương ứng gần 25% và 62% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, POM ghi nhận quý III/2023 doanh thu đạt 503 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Công ty tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm 5,2 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 578 tỷ đồng. Kết quả, quý này, POM vẫn lỗ ròng 110 tỷ đồng, đã cải thiện hơn so với khoản lỗ gần 716 tỷ đồng của quý III năm ngoái.
Quỹ ngoại rót tiền vào Thép Nam Kim (NKG)
Đất Xanh (DXG) chốt lịch chào bán hơn trăm triệu cổ phiếu giá 12.000 đồng/cp