Đáng nói, dù chỉ là công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ (vốn điều lệ 830 tỷ đồng) song APS đã cùng với TPS, SHS, TVB trở thành những điểm nhấn đáng chú ý nhất của nhóm doanh nghiệp chứng khoán trong mùa báo cáo tài chính quý này.
Rơi mạnh từ vùng giá 3x.000 đồng hồi đầu tháng 4/2022 về mức 14.x00 đồng tại thời điểm cuối tháng, sau đó tiếp tục có thêm nhịp điểu chỉnh về dưới 12.000 đồng, cổ phiếu APS (Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương - (Mã APS - HNX) bất ngờ xuất hiện chuỗi hồi khá mạnh qua đó kéo thị giá lên sát mức 16.000 đồng (thời điểm giữa tháng 7).
Tuy nhiên, sau nhịp tăng này, APS ghi nhận đà lao dốc trở lại với nhịp chỉnh 7/8 phiên gần nhất qua đó đẩy giá cổ phiếu về lại vùng 13.x00 đồng. Đáng nói, diễn biến tiêu cực này xuất hiện trước cả khi doanh nghiệp nhà công bố kết quả kinh doanh "thảm hại" trong quý II/2022.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Apec chỉ vỏn vẹn 56 tỷ đồng (giảm mạnh so với quý I) song chi phí hoạt động lại tăng gấp hơn 12 lần quý trước đó lên 492 tỷ đồng (chủ yếu do thua lỗ mảng tự doanh) dẫn đến việc công ty chứng khoán này báo lỗ trước thuế 442 tỷ đồng; lỗ sau thuế 362 tỷ đồng. EPS chuyển âm 4.370 đồng/cổ phiếu.
Con số nêu trên đã giúp APS vượt mặt các ông lớn khác như VDS, SHS, ORS để trở thành công ty báo lỗ lớn nhất ngành trong quý II/2022.
Theo tìm hiểu, các cổ phiếu trong danh mục tự doanh quý II/2022 phần lớn đều có liên quan đến ông Nguyễn Đỗ Lăng là IDJ và API. Ông Nguyễn Đỗ Lăng là CEO của Chứng khoán APEC đồng thời là Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ), thành viên HĐQT đồng thời cổ đông lớn nhất của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (Mã: API).
Sự nổi lên của nhóm cổ phiếu họ "Apec" hồi nửa cuối năm 2021 cũng gắn liền với tên tuổi này.
Danh mục tự doanh của Chứng khoán APEC (APS)
Tại ngày 30/6/2022, giá gốc khoản đầu tư vào IDJ và API là 165,1 tỷ đồng và 188,8 tỷ đồng, không thay đổi so với quý I. Trước đó, tại thời điểm cuối tháng 3, hai khoản đầu tư này từng trong trạng thái lãi bằng lần với mức lãi 263,7 tỷ đồng (IDJ) và 173,7 tỷ đồng (API).
Trong quý II, APS cũng thực hiện bán cắt lỗ cổ phiếu NBB qua đó giảm 50% giá đầu tư gốc tại đây xuống còn 45,55 tỷ đồng. Hiện công ty này đang chịu mức lỗ gần 30,7 tỷ đồng - tương ứng tỷ lệ 67,3%.
Ngược lại, công ty này đã mua thêm 20,51 tỷ đồng cổ phiếu TCH và đang chịu mức lỗ gần 4,2 tỷ đồng.
Đến cuối quý II/2022, tổng tài sản của Chứng khoán Apec đạt 1.120 tỷ đồng - giảm sâu so với mức 1.612 tỷ đồng đầu kỳ; lợi nhuận chưa phân phối lũy kế giảm mạnh về còn dưới 250 tỷ.
Danh mục FVTPL của APS giảm xuống 598,2 tỷ đồng; dư nợ cho vay margin giảm 53% từ mức 414 tỷ đồng hồi đầu năm về còn 185 tỷ.
Lạng Sơn: Một dự án nghìn tỷ nhà "Apec" bị tuýt còi