Một quốc gia châu Á tiêu thụ hơn 500 tấn vàng, chuyện gì đang xảy ra?
Châu Á chiếm 64,5% nhu cầu toàn cầu về vàng trang sức và vàng thỏi – chưa tính mua vào từ Ngân hàng Trung ương. Trong khi đó, Mỹ chỉ chiếm 6,5%.
Vì sao châu Á vẫn say mê vàng?
“Giá vàng tăng khiến bạn chần chừ mua trang sức cưới?” – một tấm biển trước cửa hàng Tanishq, thương hiệu trang sức lớn nhất Ấn Độ, đặt câu hỏi. “Đừng để ước mơ bị trì hoãn”, biển quảng cáo tuyên bố, kêu gọi người dân tham gia “lễ hội trao đổi”, nơi khách hàng có thể đổi trang sức cũ lấy món mới.
Vàng đã khởi sắc mạnh trước khi Tổng thống Donald Trump ban hành loạt thuế quan mới hồi đầu tháng, đẩy giá kim loại quý này lập đỉnh lịch sử 3.166 USD/ounce, tăng 17,4% so với ngày ông nhậm chức. Đến ngày 11/4, giá vàng đã vượt 3.200 USD.
Thế nhưng, mức giá cao dường như không làm giảm nhiệt người tiêu dùng. Dù giá vàng chạm đỉnh tới 40 lần trong năm 2024, nhu cầu tại Ấn Độ vẫn ổn định. Lý do là gì?
Theo ông Anindya Banerjee, chuyên gia tại Kotak Securities, điều người dân quan tâm không phải là giá tuyệt đối, mà là sự ổn định. “Nếu giá neo ở mức cao một cách ổn định, nhu cầu sẽ quay trở lại”. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, người Ấn vẫn tiếp tục mua vàng phục vụ “nhu cầu thiết yếu” – như cho đám cưới hoặc các dịp quan trọng. Nhiều người tận dụng giá cao để đổi đồ cũ lấy trang sức mới, và nhu cầu vay thế chấp bằng vàng cũng đang tăng mạnh.

Châu Á – thị trường khổng lồ của vàng
Năm ngoái, Ấn Độ dẫn đầu thế giới về tiêu thụ trang sức vàng với 560 tấn, vượt qua cả Trung Quốc (510 tấn). Người dân nước này cũng mua thêm 240 tấn vàng thỏi và tiền vàng, còn Trung Quốc mua tới 345 tấn.
Tại Thái Lan, nhu cầu vàng thỏi tăng 17% trong năm 2024 lên 40 tấn, nhờ sự phổ biến của các ứng dụng mua vàng vật chất trực tuyến. Gộp các thị trường lớn như Indonesia, Việt Nam, châu Á chiếm 64,5% nhu cầu toàn cầu về vàng trang sức và vàng thỏi – chưa tính mua vào từ Ngân hàng Trung ương. Trong khi đó, Mỹ chỉ chiếm 6,5%.
Tại châu Á, vàng đóng vai trò trọng yếu trong các sự kiện quan trọng của đời người, đặc biệt là hôn nhân. Kalyan Jewellers ước tính mỗi năm Ấn Độ có khoảng 10 triệu đám cưới, tiêu thụ từ 300-400 tấn vàng. Ngoài ra, nhiều người Hindu mua vàng vào các dịp lễ truyền thống như Diwali hay Akshaya Tritiya (năm nay rơi vào 30/4).
Vàng cũng có trong văn hóa Trung Hoa. Trước kia, vàng là một trong những cách hiếm hoi để tích trữ và truyền lại tài sản. Ở các cộng đồng người Hoa hải ngoại, nhiều nơi vẫn duy trì truyền thống cưới hỏi kiểu Triều Châu, nơi gia đình chú rể tặng cô dâu bốn món trang sức vàng – tượng trưng cho bốn góc mái nhà người đàn ông phải che chở.
Tuy vậy, nếu nhìn sâu hơn, nguyên nhân "giữ lửa đam mê" với vàng không chỉ là văn hóa, mà còn nằm ở chính những bất ổn và hạn chế trong hệ thống tài chính và kinh tế của nhiều quốc gia châu Á.

Vàng – kênh đầu tư ổn định trong thế giới đầy biến động
Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, vàng không chỉ là kênh đa dạng hóa tài sản và phòng ngừa lạm phát, mà còn được xem như một “lối thoát” khỏi các rào cản kiểm soát vốn và một cách để tiếp cận các tài sản nằm ngoài hệ thống tài chính trong nước.
Ở Ấn Độ, đầu tư ra nước ngoài rất hạn chế, và thị trường chứng khoán dù đang phát triển, vẫn chỉ chiếm dưới 6% tài sản hộ gia đình – so với 15% dành cho vàng. “Khi vốn bị ‘giam chân’ trong nước, vàng trở thành con đường ngắn nhất để người dân thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng rupee”, ông Joseph Sebastian, chuyên gia tại Blume Ventures, nhận định.
Tại Trung Quốc, ngay cả đầu tư nội địa cũng nhiều rào cản. Các ngành lợi nhuận cao thường do nhà nước kiểm soát, nhà đầu tư nhỏ lẻ không dễ tiếp cận. Bất động sản không còn là “con gà đẻ trứng vàng”, giá nhà mới đã giảm 5% so với đỉnh năm 2021. Trong khi đó, giá vàng tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, mang lại lợi suất trung bình 15,4%/năm.
Giới trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng mua vàng với số lượng nhỏ – thậm chí chỉ 1 gram – thay vì gửi tiết kiệm hưởng lãi suất 1-2%/năm. Cùng lúc, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua vàng, người dân coi đó là tín hiệu đầu tư. Xu hướng đang nghiêng về vàng thỏi thay vì trang sức – dấu hiệu rõ ràng của động cơ đầu tư chứ không còn đơn thuần là truyền thống.
Tại nhiều nước châu Á, hệ thống an sinh xã hội còn nhiều hạn chế khiến vàng trở thành “quỹ hưu trí cá nhân”. Ở phần lớn châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, chưa tới 50% người lao động có lương hưu bắt buộc. Phụ nữ là nhóm phụ thuộc nhiều nhất vào vàng, bởi tại nhiều nơi, họ không có tài sản sở hữu riêng.
Với nông dân và tiểu thương – những người có thu nhập không ổn định – vàng là cách giúp họ dễ dàng xoay xở tiền mặt khi cần thiết. Tại Ấn Độ, việc vay vốn bằng đất gặp nhiều khó khăn do giấy tờ sở hữu phức tạp và thị trường thế chấp chưa phát triển.
Trong bối cảnh đó, hình thức vay thế chấp bằng vàng ngày càng phổ biến và được tổ chức bài bản hơn. Muthoot, công ty cho vay bằng vàng lớn nhất Ấn Độ, có thể giải ngân chỉ trong vòng 15 phút. Từ tháng 4 đến tháng 12/2024, tổng dư nợ các khoản vay vàng tăng tới 68%, so với mức tăng 12,7% cùng kỳ năm trước.

Tồn tại hạn chế
Dù mang lại lợi ích cho từng cá nhân, niềm đam mê vàng của người dân châu Á lại gây áp lực không nhỏ lên nền kinh tế vĩ mô. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng lượng vốn đổ vào vàng có thể được dùng hiệu quả hơn nếu đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất hoặc phát triển. Tệ hơn, nhập khẩu vàng còn ảnh hưởng trực tiếp đến cán cân thương mại.
Tại Thái Lan, ngân hàng trung ương từng cho rằng chính nhu cầu nhập vàng đã khiến tài khoản vãng lai của nước này chuyển từ thặng dư sang thâm hụt. Với Ấn Độ, vàng chiếm tới 8% tổng kim ngạch nhập khẩu – thậm chí trong một số tháng còn vượt qua cả dầu mỏ để trở thành mặt hàng nhập khẩu lớn nhất. Riêng trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, nước này nhập ròng 45 tỷ USD vàng – gần gấp đôi mức thâm hụt tài khoản vãng lai cùng kỳ.
Vấn đề nằm ở chỗ: không dễ gì tìm ra lời giải. Nếu siết chặt quản lý, hệ quả thường thấy là buôn lậu gia tăng. Còn nếu muốn tự chủ nguồn cung bằng cách khai thác trong nước? Không đơn giản. Trung Quốc – nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới với 378 tấn vào năm 2023 – cũng chỉ đủ đáp ứng hơn 40% nhu cầu trong nước. Ấn Độ tuy sở hữu trữ lượng vàng đáng kể, nhưng sản lượng trong năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn 1 tấn, do các quy định khai thác khắt khe. Trong cùng năm, quốc gia này đã phải nhập khẩu hơn 700 tấn vàng để đáp ứng nhu cầu.
Nếu muốn giảm sự lệ thuộc vào vàng, các chính phủ không thể chỉ trông chờ vào những biện pháp ngắn hạn. Họ buộc phải tiến hành những cải cách căn bản – từ mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng, minh bạch hóa sở hữu đất, cải tổ hệ thống pháp lý đến nới lỏng kiểm soát dòng vốn. Bởi lẽ, dù văn hóa thường được viện dẫn như lý do chính, thì gốc rễ thật sự của “cơn khát vàng” ở châu Á lại nằm ở những bất cập về kinh tế và thể chế.
Theo The Economist
>> Chuyên gia lý giải ‘thế lực’ đẩy giá vàng lên đỉnh lịch sử